TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 108 CN 21.10.2007

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

Chúa Nhật XXIX Thường Niên C (Khánh nhật Truyền giáo)

CẦU NGUYỆN LÀ HƠI THỞ..

CHỨNG TỪ VỀ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO..

Đức Thánh Cha tiếp kiến tân Đại Sứ Đại Hàn.

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Cha Đặng Đức Ngân làm Giám Mục Lạng Sơn.

LỄ KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ THÁI BÌNH..

Hành Hương Đức Mẹ Tàpao tháng 10/2007.

CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ HÀ NỘI

Diễn Nguyện Chuỗi Mân Côi Của Đời Tôi tại Nhà Thờ Đaminh - Ba Chuông.

ĐẠI HỘI HỘI ĐÒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM LẦN X..

Từ ngày 8-12/10-2007.

BẢN ĐÚC KẾT..

THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM...

GIÁO DỤC HÔM NAY, XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGÀY MAI

Kỷ niệm 90 năm lần cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (13/10/1917- 13/10-2007)

TRUYỀN GIÁO BẰNG KINH MÂN CÔI

TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á:

KỂ CHUYỆN CHÚA GIÊSU..

CẦU NGUYỆN..

Đến với nguồn ánh sáng.

NHỎ MÀ TO..

CÁI LƯỠI

Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá (tiếp theo)

6. CON CÁ THỨ NHẤT: MẸ MARIA, MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI

 

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật XXIX Thường Niên C

(Khánh nhật Truyền giáo)

PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc' ".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Đó là lời Chúa.

 

 

 

CẦU NGUYỆN LÀ HƠI THỞ

 

 

Cầu nguyện là một trong những chủ đề ưa thích nhất của Luca, đối với Luca, Đức Giêsu là con người cầu nguyện. “Phải cầu nguyện luôn” (Lc18,8). Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ tín hữu Thêxalônica: “Phải cầu nguyện không ngừng” (1Tx5,17). Thánh Monica đã kiên trì trong đau khổ và nước mắt suốt 20 năm, để cầu nguyện cho người con là Augustino trở lại, và ngài đã thành công. Trong ca dao của người Việt chúng ta cũng diễn tả tư tưởng này: có công mài sắt có ngày nên kim, hoặc nước chảy đá mòn.

 

Phải cầu nguyện thế nào? Để trả lời tôi xin kể câu chuyện:

 

Một chàng thanh niên ngoan đạo và siêng năng học tập, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua, anh đạt điểm cao, và sau đó, anh thi đậu vào đại học. Để thưởng cho con, cha mẹ đã mua cho anh một chiếc xe Honda. Việc đầu tiên, anh chạy tới nhà thờ để tạ ơn Chúa. Vì tin tưởng Chúa sẽ lo cho tất cả, nên anh không khóa xe. Sau buổi cầu nguyện sốt sắng, anh trở ra. Oi thôi! Chiếc xe không cánh mà bay. Anh trở vào nhà thờ, thưa với Chúa: Lạy Chúa, con tin Chúa, con tới đây để cầu nguyện và thể hiện niềm tin đó. Sao Chúa không giữ xe cho con. Trong bầu khí thánh thiêng, ấm cúng từ nhà tạm, có một luồng ánh sáng chiếu xuống, trong luồng sáng có tiếng nói: Con phải cầu nguyện trong niềm tin tuyệt đối vào Chúa, nhưng đồng thời con phải khóa xe.

 

Anh chàng thanh niên dễ thương, tôi cảm mến bạn, vì bạn ngoan đạo và siêng năng học tập. Nhưng cách cầu nguyện của bạn có vấn đề!  Khi cầu nguyện bạn phải tin  tưởng tuyệt đối vào Chúa, chỉ có Chúa mà thôi, còn mình không làm được việc gì cả, đồng thời khi làm việc, phải làm việc hết mình, như không có Chúa vậy. Nghe có vẻ kỳ, nhưng đúng như thế đó. Chúa ban cho bạn: trí khôn, con tim, tài năng, sức khỏe, bạn phải tận dụng tất cả khả năng đó. Khi bạn thành công không phải do Chúa mà cũng không phải do bạn. Nhưng do cố gắng làm việc của bạn và do Chúa ban ơn, phù hộ.

 

Cầu nguyện có thể coi là hơi thở của người tín hữu, do đó phải cầu nguyện liên tục và bền chí. Vì mục đích tối hậu của cầu nguyện là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, là mở rộng con tim cho Ngài ngự trị, là trở nên một với Ngài, là tìm kiếm và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Cầu nguyện không phải chỉ xin xỏ những nhu cầu vật chất, ích lợi trần thế, hạnh phúc chóng qua.

 

Lạy Chúa, con cảm nhận cầu nguyện là hơi thở của con, xin dạy con cầu nguyện trong mỗi giây phút của cuộc đời, và nhấn chìm con trong sa mạc nguyện cầu.

 

Lm. Giuse LÊ HIẾN,  Cà Mau

 

Mục lục

 

 

CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

 

CHỨNG TỪ VỀ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

Một trong những vấn đề đang được bàn tới nhiều hiện nay tại nước ta là vấn đề giáo dục. Cả đời cả đạo cùng rất quan tâm. Vì đây là yếu tố rất quan trọng cho việc phát triển và tồn tại của đất nước và của tôn giáo.

Trong bầu khí đó, tôi nhìn vào mình. Tôi xét mình xem nhân tố nào đã ảnh hưởng sớm nhất và sâu nhất trong hành trình giáo dục, mà tôi đã trải qua.

Xét đi xét lại, tôi vẫn thấy nhân tố đó là bố mẹ tôi. Các ngài đã dạy tôi những điều đơn sơ. Chính những điều giản dị ấy đã cho tôi những định hướng rõ. Hành trình nền giáo dục công giáo trong tôi đã khởi hành từ việc đón nhận những điều giản dị ấy.

Hôm nay, tôi xin chia sẻ như một chứng từ sống động riêng tư.

1/ Trước hết, xin nói về mẹ tôi

Từ rất nhỏ, mẹ tôi hay nhắc cho tôi điều này: "Con hãy nhớ Chúa trước mặt con". "Con hãy tin Đức Mẹ ở bên con".

Lời khuyên đó đã đi kèm với những việc làm của mẹ tôi. Mẹ dạy tôi làm dấu thánh giá trước khi ăn, trước khi ngủ, trong những hoàn cảnh không biết cậy nhờ vào ai.

Mẹ dạy tôi cầu nguyện bằng việc kêu lên Chúa những lời cầu vắn tắt, thốt ra từ đáy lòng. Nhất là mẹ dạy tôi cầu nguyện kinh Mân Côi.

Mẹ dẫn tôi đi nhà thờ, để dự thánh lễ. Không phải chỉ lễ Chúa nhật, mà cả những lễ ngày thường, mặc dù phải đi xa và trong đêm tối.

Lời khuyên "hãy nhớ Chúa trước mặt con" và "hãy tin Đức Mẹ ở bên con" đã ảnh hưởng rất nhiều đến ơn gọi của tôi sau này. Ơn gọi của tôi được tóm lược vào mấy điểm sau đây:


Chúa đã yêu thương tôi.

Chúa đã kêu gọi tôi.

Chúa đã thánh hoá tôi.

Chúa đã sai tôi đi.

Từng điểm và tất cả mọi điểm trên đây đều được sáng lên trong tôi, khi tôi nhận thức: "Chúa ở trước mặt tôi" và "Đức Mẹ ở bên tôi".

Phong phú nhất là điểm: "Chúa đã sai tôi đi".

Tôi được Chúa sai đi, như người lữ khách và lữ hành tại một địa phương ở Đất nước Việt Nam này (x. Dt 11,13).

Tôi được sai tới những người khác nhau không ngừng di chuyển. Họ di chuyển trong dòng thời gian và trong không gian có những đoạn khác nhau.

Tôi được sai đi để giới thiệu đức tin bằng việc rao giảng Lời Chúa và công việc bác ái.
Tôi được sai đi vào những giai đoạn phức tạp. Trong đó Chúa và Mẹ dạy tôi hãy nhấn mạnh nhiều nhất đến sự hiện diện có Chúa trong mình.

Tôi được sai đi như một người phải biết khiêm tốn nhờ vào người khác, cả trong Hội Thánh lẫn trong xã hội.
Tôi được sai đi, như một người tạ ơn vì những khám phá thấy bao sự lạ lùng, Chúa làm trong các tâm hồn.
Cho đến hôm nay, lúc tuổi đã già, tôi vẫn sống ơn gọi nói chung và ơn được sai đi nói riêng như một kho báu. Không bao giờ mình được phép cho mình là đã khám phá hết. Có lúc đi trong ánh sáng, có lúc chìm trong bóng tối. Có lúc thành công, có lúc thất bại với bao yếu đuối vụng về. Nhưng tôi luôn nhớ Chúa trước mặt và Đức Mẹ ở bên tôi. Chúa vẫn cầm tay tôi. Đức Mẹ vẫn an ủi nâng đỡ tôi.

2/ Cùng với mẹ tôi, bố tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của tôi

Bố tôi hay kể lại rằng: Ông nội, trước khi tắt thở, đã gọi các con đến bên giường. Nội trối lại ba điều:

- Các con hãy chịu khó làm ăn sinh sống một cách lương thiện.

- Các con hãy thương yêu nhau và thương yêu đặc biệt những người nghèo túng.

- Các con hãy có lòng kính thánh Giuse. Thánh Giuse là quan thầy của những người nghèo khổ.

Với những lời khuyên trên đây, bố tôi dạy chúng tôi về những liên đới xã hội. Sống sao cho công bình yêu thương trong mọi liên hệ.

Có lần mấy đứa chúng tôi đi câu cá về. Thấy con cá nào hơi to, bố tôi liền hỏi: Câu ở đâu? Nếu câu ở ao không phải ao nhà, thì bố bảo phải đem trả.

Nhà chúng tôi nghèo, nhưng không người ăn xin nào tới xin, mà bố để họ ra về tay không.

Tối nào, sau lần chuỗi, gia đình cũng đọc kinh thánh Giuse. Thói quen đó đã theo tôi mãi tới bây giờ. Kinh nghiệm cho tôi thấy: Thánh Giuse luôn cứu giúp kẻ cơ hàn, khi họ biết chạy đến với Người trong cơn gian nan, khốn khó.

Bố tôi biết vui trong cảnh nghèo, thích liên hệ với những người nghèo. Ngài coi cảnh nghèo, người nghèo là nơi đào tạo những người biết khiêm tốn đón nhận và biết khiêm nhường cho đi.

3/ Khi nhìn lại khởi điểm nền giáo dục công giáo trong đời tôi, tôi nhận ra gia đình công giáo là một quy tụ nhỏ những hơi thở đầu tiên của đức tin

Quy tụ nhỏ đó có ba đòi hỏi này:

a) Cần thấy mình có nguồn gốc là siêu nhiên. Từ Chúa, Đức Mẹ, thánh Giuse, gia đình cảm thấy an vui.

b) Cần nuôi một hứng thú về những giá trị cao cả nhưng gần gũi.

c) Cần thấy mình phải có ơn Chúa, để giúp mình sớm biết phân biệt cái gì tốt, cái gì xấu, điều gì là đúng thánh ý Chúa, điều gì không hợp thánh ý Chúa.

Gia đình là một quy tụ hơi thở ban đầu của đức tin. Từ quy tụ ban đầu đó, tôi bước sang nhiều quy tụ khác, như nhà tu, giáo xứ, giáo phận, Hội Thánh. Tuy với những hình thức khác nhau, mọi quy tụ trên đây đều được tôi coi như các gia đình. Trong đó, tôi được phát triển và thanh luyện. Tất cả đều được dòng tình nghĩa và tinh thần trách nhiệm chảy qua. Tất cả đều có Thiên Chúa là Cha chăm sóc. Tất cả đều có Đức Mẹ Maria và thánh Giuse phù trợ. Trong tất cả, tôi luôn là người con bé nhỏ.

Như vậy, giáo dục công giáo là một hành trình. Một hành trình của nội tâm, của đạo đức, của tâm hồn bé nhỏ nghèo khó tìm cộng tác với Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử, một hành trình mà gia đình thường giữ vai trò quan trọng. 

+ ĐGM JB Bùi Tuần 

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến tân Đại Sứ Đại Hàn

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mạnh mẽ ủng hộ tiến trình hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên và ngài kêu gọi bênh vực phẩm giá con người trong các cuộc nghiên cứu về kỹ thuật sinh học.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-10-2007 dành cho Tân Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, Ông Kim Ji Young Francesco, đến trình quốc thư. Ông năm nay 56 tuổi (1951), đã từng là tổng lãnh sự Nam Hàn tại Việt Nam (2003-2006), rồi làm trưởng Văn khố của bộ ngoại giao với cấp bậc Đại Sứ.

Trong diễn văn chào mừng ông đại sứ mới, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhân cơ hội này tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với mọi sáng kiến nhắm tới một sự hòa giải chân thành và lâu bền, chấm dứt sự thù nghịch và những bất công đau thương. Tiến bộ chân thành được xây dựng trên thái độ lương thiện và tín nhiệm nhau...”

Nhắc đến cuộc thương thuyết hiện nay giữa 6 nước, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, hai nước Nam Bắc Hàn, về việc chấm dứt chương trình hạt nhân tại Bắc Hàn, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tôi nồng nhiệt hy vọng sự tham gia của nhiều nước vào tiến trình thương thuyết sẽ đưa tới sự chấm dứt các chương trình nhắm phát triển và sản xuất các loại võ khí với tiềm năng tàn phá khôn tả”.

Ám chỉ tới những sự kiện trong thời gian gần đây, đã xảy ra những toan tính phúc chế người tại Nam Hàn để lấy tế bào gốc dùng vào việc nghiên cứu trị bệnh, ĐTC ca ngợi những tiến bộ của Nam Hàn trong kỹ thuật sinh học, nhưng ngài khẳng định rằng ”Việc sử dụng mà xã hội hy vọng thực hiện đối với khoa sinh học y khoa phải luôn luôn được đo lường dựa trên các tiêu chuẩn luân lý đạo đức vững chắc. Điều quan trọng nhất trong các tiêu chuẩn này chính là phẩm giá sự sống con người; con người không thể bị lèo lái hoặc đối xử như những dụng cụ thí nghiệm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sự phá hủy phôi thai người, dù là để lấy tế bào gốc hay vì bất kỳ mục tiêu nào khác, đều là điều trái ngược với ý hướng mà các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp và các quan chức y tế công cộng vẫn tuyên bố như là để thăng tiến an sinh của con người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi cầu nguyện để sự nhạy cảm bẩm sinh của dân tộc Đại Hàn về luân lý, như được chứng tỏ qua sự loại bỏ việc phúc chế người và các phương thức liên hệ, sẽ giúp cộng đồng quốc tế tiến tới những hệ luận sâu xa về mặt luân lý và xã hội trong việc nghiên cứu và sử dụng khoa học”.

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc đến bổn phận của các chính quyền là mang lại cho các phụ huynh cơ hội được gửi con em đến học tại các trường tôn giáo, bằng cách cho phép thiết lập dễ dàng và tài trợ cho các trường ấy. Sự tài trợ của chính quyền như thế sẽ giúp các phụ huynh đỡ phải chịu những gánh nặng không thích hợp về tài chánh, để họ có thể chọn lựa những phương thế giáo dục thích hợp nhất cho con em họ. Các trường của Công Giáo và các tôn giáo khác phải được tự do rộng rãi trong việc xác định và thi hành học trình để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của các học sinh, và nếu thiếu điều đó, thì đời sống tâm trí sẽ bị thương tổn nặng nề”.

Trong diễn văn tại buổi trình quốc thư, Đại Sứ Nam Hàn đã ca ngợi sự tăng trưởng mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo tại nước này, trong vòng 20 năm qua, nâng tổng số tín hữu Công giáo lên 5,3 triệu người, tương đương với 10% dân số toàn quốc (SD 11-10-2007)

Mục lục

 

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Cha Đặng Đức Ngân làm Giám Mục Lạng Sơn

 

VATICAN. Hôm 12-10-2007, Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng đại diện Giáo Phận Hà Nội kiêm Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, làm tân Giám Mục giáo phận Cao Bằng Lạng Sơn.

Cha Đặng Đức Ngân, năm nay 50 tuổi, sinh ngày 16-6 năm 1957 tại Hà Nội, theo học tại Đại chủng viện Hà Nội (1981-1987), thụ phong LM ngày 8-12-1987, làm Cha Sở giáo xứ Thượng Thụy và Cổ Nhuế (1988-1993), du học tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniano ở Roma (1994 đến 1999), và đậu tiến sĩ Giáo Luật tại đây.


Trở về nước, Cha Giuse Ngân làm Giáo Sư Đại chủng viện (từ năm 1999), bí thư tòa TGM Hà Nội (1999-2002), thư ký HĐGM (từ năm 2000), Đại Diện GM (2001-2003). Từ 4 năm nay cha làm Cha sở Nhà thờ chính tòa Hà Nội kiêm Tổng Đại Diện giáo phận.


Giáo phận Cao Bằng Lạng Sơn rộng gần 15 ngàn cây số vuông, với dân số hơn 1 triệu 618 ngàn người, trong đó chỉ có 6.135 tín hữu Công Giáo với 5 Linh mục giáo phận và một số nữ tu. Giáo phận này trống tòa từ hơn 2 năm rưỡi, sau khi Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Chính Tòa Hà Nội ngày 19-2-2005. (SD 12-10-2007)

Tổng hợp các nguồn tin

 

Mục lục

 

LỄ KHÁNH THÀNH VÀ CUNG HIẾN NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ THÁI BÌNH

 

Hôm nay 13.10.2004, chúng tôi từ về dự lễ khánh thánh và cung hiến Nhà thờ chính Toà Thái Bình. Chỉ khoảng một giờ rưỡi, xe chúng tôi đã chạy hết quãng đường Hà Nội-Nam Định và băng băng tiến vào đất Thái Bình. Cây cầu Tân Đệ hoành tráng bắc ngang dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đã thay thế cho chiếc phà cùng tên vất vả ì ạch đưa người sang sông từ gần một thế kỷ. Con đường từ Tân Đệ về Thái Bình cũng đã được mở rộng và trải nhựa phẳng lỳ, cho nên chỉ khoảng 20 phút sau chúng tôi đã tới thành phố Thái Bình, hiền hoà như tên gọi của mình, nổi lên giữa cánh đồng mầu mỡ bậc nhất của châu Thổ sông Hồng.


Chúng tôi tới TGM nằm ở cuối đường Trần Hưng Đạo, gần bờ sông Trà Lý và lập tức chúng tôi bị chìm trong biển người xe. Chúng tôi thấy ở đấy đã đầy các xe biển số Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên. Dường như hôm nay mọi con đường đều dẫn đến Nhà thờ Chính Toà. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân trở về từ các giáo phận và giáo xứ đang gặp gỡ, trò truyện vui tươi, tràn ngập khu vực TGM và Nhà thờ Chính toà. Các giám mục vừa kết thúc kỳ Đại hội Giám mục tại HN cũng về tham dự lễ khánh thành. Thái Bình hôm nay cách nào đó là điểm hẹn của cả nước.


Khoảng 9 giờ, đoàn đồng tế với gần 30 giám mục và khoảng hơn 100 linh mục từ khuôn viên Toà Giám bắt đầu tiến bước sang Nhà thờ Chính Toà nguy nga, tráng lệ, giữa những dòng âm thanh và nhịp điệu tưng bừng, hân hoan của dàn kèn đồng có lễ đến hơn trăm chiếc và của những đội trống cũng hoành tráng không kém. Mọi người dừng lại ở tiền đình nhà thờ. Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang, Giám mục Chính Toà Giáo phận Thái Bình, cùng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã cắt băng khánh thành ngôi thánh đường giữa những lời thơ, tiếng kèn, tiếng trống và giữa những tràng vỗ tay sôi nổi và giữa những chùm bóng bay đủ mầu.

 

Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh, Tổng Đại diện Giáo phận Thái Bình, đọc lời chào mừng quý khách. Ngài cũng cho biết ngôi thánh đường quy nga tráng lệ khánh thành hôm nay nhắc nhớ gia đình giáo phận nhiều điều: Nhắc nhớ phải tri ân công lao khó nhọc của Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang. Nhắc nhớ về ngôi thánh đường cũ mang trên mình những dấu ấn của thời gian cùng những kỷ niệm vui buồn của Giáo phận từ ngày khai sinh. Nhắc nhớ tới công ơn của các Bề trên và các bận tiền nhân của Giáo phận đã quá cố. Nhắc lòng biết ơn đối với quý ân nhân trong ngoài nước. Nhắc gia đình Giáo phận “sống biết ơn hơn nói lời cảm tạ”.


Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm giảng một bài thật ngắn gọn và súc tích. Ngài ca ngợi ngôi nhà thờ xinh đẹp kết tinh tài trí và công sức của giáo phận, của ĐGM giáo phận, của các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn xây dựng ngôi đền thờ tồn tại vĩnh cửu là đền thờ Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi tín hữu.


Phần dâng của lễ được Giáo phận chuẩn bị và thực hiện rất ấn tượng và ý nghĩa. 10 nam và 10 nữ mặc y phục cổ truyền dâng bánh miến, rượu nho, nến trắng, hoá sen và những sản vật địa phương trên những mâm son xinh đẹp. Người quê lúa vốn chân lấm tay bùn trên đồng ruộng là thế mà hôm nay trong những bộ lễ phục truyền thống nơi đền thờ như hoá thân thành những con người khác hẳn bởi dung nhan rạng rỡ cùng những cử điệu nhịp nhàng, phảng phất một nét gì đó toát lên từ những bức tượng cổ cân đối, mềm mại, bầu bĩnh, thánh thiện và siêu thoát mà chúng ta còn thấy trong nhiều nhà thờ cổ của các địa phận dòng.


Chúng tôi rất thích những lời thơ cũng là những ước nguyện chân thành được ngâm lên bằng cung giọng sâu lắng mà tha thiết trong khi dâng bánh rượu, hoa nến và các sản vật địa phương. Rằng: Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Mừng em rửa tội nhân danh Chúa trời/ Làm con Thiên Chúa Ba Ngôi/ Làm con Hội Thánh đời đời quang vinh. Họăc: Quê hương là chùm khế ngọt/ Xa quê hương thon thót bên tim/ Về Thái Bình ta lại nhớ thêm/ Những đặc sản làm nên xứ Thái/ Bánh cáy Nguyên Xá/ Canh cá Quỳnh Côi/ Ăn vào bổi hỏi bồi hồi/ Râm ran trong máu rằng tôi nhớ nhà/ (…) Ổi Cầu Bo vừa to vừa đẹp/ Chuối Thái Bình được phép vua ban/ Lửng lơ chùm nhãn Hưng Yên/ Cứ gì bầu rượu nắm nem mới là/ (…) Cầu cho mưa thuận gió hoà/ Được mùa trăm họ ấm no ơn trời/ Cầu cho tươi đạo tốt đời/ Cầu cho hạnh phúc mọi người chung quanh.



Trước khi ban phép lành, kết thúc buổi lễ, Đức ông Tôma Trần Trung Hà, Trưởng Ban Cố vấn cũng là Trưởng Ban Kiến thiết của Giáo phận đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận, cảm ơn quý đấng bậc trong Giáo hội, quý ân nhân trong ngoài nước, quý cơ quan chính quyền các cấp và và đại diện các tôn giáo tại địa phương đã cùng gia đình Giáo phận cất cao lời hân hoan tạ ơn Thiên Chúa, cùng chung chia một niềm vui trong ngày khánh thành và cung hiến Nhà thờ Chính toà Thái Bình, là thành quả và sự kết tinh của những con người đã nhiệt thành cống hiến trí tuệ, sức người, sức của vào việc xây dựng công trình này.


Khoảng 12 giờ thánh lễ mới kết thúc. Nhiều người ào đi chụp hình hoặc chiêm ngưỡng các góc cạnh của ngôi thánh đường trong ngày lịch sử này. Chúng tôi cũng đi một vòng nhà thờ ngắm nhìn toàn bộ quần thể thánh đường và khu vực chung quanh. Sáng nay, luc mới đến, một Đức Giám Mục hỏi chúng tôi: “Ông đi xem nhà thờ chưa? To thật! Đẹp thật! Rất logic!Rất thống nhất trong kiến trúc và trang trí! Hay thật! Chưa thấy ngôi nhà thờ nào mới xây dựng trong những năm gần đây ở mình mà được vậy!”. Chúng tôi thấy lời nhận xét của Đức Giám Mục kia là có cơ sở và chúng tôi nghĩ rằng gia đình Giáo phận Thái Bình có lý để tạ ơn Chúa và để hân hoan mừng lễ to như hôm nay./.


Thái Bình. 13.10.2007.

LM. Pr Nguyễn Văn Khai, DCCT.

 

Mục lục

 

Hành Hương Đức Mẹ Tàpao tháng 10/2007

Ngày 13.10, kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Khách thập phương đổ về Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao.

Từ chiều 12.3, đã có hơn 10 ngàn người nối tiếp nhau lên núi dự lễ, cầu nguyện. Xe cộ chật cứng các nơi có thể đậu xe. Đoàn hành hương nhích từng bước chân, râm ran đọc kinh lần chuỗi. Có lẽ mỗi người phải lần 3 chuỗi mới lên đến Đức Mẹ. Ai cũng kiên nhẫn, ai cũng đổ mồ hôi ướt đẫm. Đường hành hương kính Mẹ quả là đường Thánh giá. Dâng những khó nhọc đó với cả lòng thành mới là hành hương đúng nghĩa.

Đồng bào Kinh-Thượng, lương-giáo đang ra sức xây dựng công trình Mẹ Tàpao

Tôi phải vất vả hơn cả giờ đồng hồ mới lên được lễ đài kịp dâng thánh lễ lúc 4 giờ chiều. Phải đi giữa mương nước chảy, có lúc phải bám tre rừng leo qua những đoạn dốc trơn trượt, vì lối lên tam cấp không thể chen bước chân. Tôi cùng đồng tế với Cha Bằng, Dòng Thánh Thể, giữa bầu trời lộng gió, nắng chiều vàng nhạt dịu mát, bên chân tượng Đức Mẹ, cộng đoàn phụng vụ bao kính mọi nơi có thể đứng được.

Nếu ai đã từng dâng lễ, dự lễ ban tối hoặc sáng tinh mơ trên lễ đài Đức Mẹ Tàpao sẽ nhớ mãi khung cảnh bình yên và thánh thiêng nơi đây. Cảm nghiệm ơn thánh ghi dấu ấn suốt hành trình thiêng liêng của đời mình.

Hành hương đến Tàpao, miền đất linh thiêng và có tính lịch sử liên quan tới Đức Mẹ để tỏ lòng kính mến là một việc làm tốt đẹp. Đông đảo khách thập phương đến vào ngày 13.10 là một việc làm mang tính Giáo hội, tính cộng đồng rất cao. Việc thờ phượng Thiên Chúa, tôn sùng Đức Mẹ không chỉ nên thực hiện với tư cách cá nhân mà còn cần thực hiện với tư cách cộng đồng Giáo hội nữa.

Hành hương là một cung cách sống đạo đức bình dân thắm đượm tình nghĩa thiêng liêng thánh đức.

Đức Mẹ Tàpao trên núi cao hiền hoà nhìn xuống. Đức Mẹ cảm động lắm trước tấm chân tình của đoàn con cái muôn phương về bên Mẹ.

Đức Mẹ Tàpao với vẻ mặt dịu hiền lắng nghe lời ca khen, lời tạ ơn, lời tâm sự, lời nguyện xin của đoàn con. Chính lòng tin yêu, lời khấn nguyện của mọi người như hương hoa dâng trước nhan Mẹ. Tình Mẹ tựa như làn gió dịu mát, khiến ai ai cũng cảm thấy mình được Mẹ yêu thương, mình được Mẹ an ủi lắng nghe và được Mẹ ban ơn cứu giúp.

Nhiều lớp người từ khắp mọi miền đến với Đức Mẹ tỏ lòng thảo hiếu và kính mến. Mỗi người với những hoàn cảnh cuộc sống khác biệt nhau. Từ những ông bà cụ lớn tuối đến các cháu thiếu nhi, từ những người khoẻ mạnh đến những bệnh nhân tật nguyền, từ những người sang trọng đến những người chân quê, từ những Việt kiều đến những khách hành hương tận Cà mau, hay mãi vùng cao nguyên; Về đây bên Mẹ Tàpao để đựợc sống dưới bóng từ ái của Mẹ hiền, để suy nghĩ về tình thương của Mẹ, để cầu nguyện, để dâng thánh lễ kính Mẹ, để được ơn hoán cải…

Xuống núi còn khó hơn đi lên. Tôi cũng phải khó nhọc lắm mới đi hết 429 bậc cấp xuống chân núi. Trời đã tối, khách hành hương tấp nập tuôn đổ về. Ánh sáng lung linh soi đường đưa từng đoàn người leo núi. Gặp Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng, phụ trách trung tâm hành hương Tàpao đang chuẩn bị lên núi dâng lễ. Cha Hoàng cho biết, Đức Giám Mục Phan Thiết, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, đang họp Hội Đồng Giám Mục tại Hà nội, ngài mấy lần gọi điện thoại về hỏi thăm công việc tổ chức, đón tiếp, thánh lễ với sự quan tâm của vị Mục Tử, ngài cũng cho biết các Đức Giám Mục rất vui mừng khi nghe tường trình về Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Tàpao.

Quả thật, Tàpao là nơi Đức Mẹ chọn để mọi người từ mọi nơi đến hành hương. Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Mẹ ban tặng bình an và niềm vui. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi siêng năng lần chuỗi Mân Côi, cải thiện đời sống, tận hiến cho Mẹ, sống và loan báo Tin mừng.

Đến với Mẹ Tàpao, thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không thất vọng bao giờ vì Mẹ Tàpao cũng là Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Phù Hộ các giáo hữu.

Ngày 12.10.2007

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

 

CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM DÂNG LỄ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ HÀ NỘI

 

18h00 thứ Năm (11/10/2007), tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội, Đức Hồng Y Gioan Baotixita, 25 Đức Giám Mục, nhiều Linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, chủng sinh và đông đảo giáo dân giáo xứ Chính Toà Hà Nội đã hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.

 Đoàn đồng tế khởi đi từ nguyện đường Phatima, tiến ra thánh đường trong bầu không khí linh thiêng và vui mừng, vì đang trong kỳ Đại Hội lần thứ 10 của HĐGMVN tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Tới tiền sảnh Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt giới thiệu các Đức Cha của từng giáo phận cho cộng đoàn dân Chúa. Sau phần giới thiệu, các em thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Chính Toà hân hoan tiến lên chúc mừng các chủ chăn của mình bằng một vũ điệu đơn sơ, chất chứa tâm tình cảm tạ qua ca khúc “tán tụng hồng ân”.

Đoàn đồng tế tiếp tục tiến vào trong thánh đường trong khi cộng đoàn cất lên bài hát “từ muôn phương ta về đây…” Trong lời mở đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ tế Phao lô Nguyễn Văn Hoà nói: “Hôm nay 26 Giám Mục đại diện cho 26 giáo phận dâng lễ tại nhà thờ Chính Toà Hà Nội. Chúng tôi thân ái chào anh chị em! Chúng tôi rất vui mừng vì thấy anh chị em trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của cuộc sống, vậy mà anh chị em vẫn trung thành và hiệp thông cách mật thiết với Giáo Hội từ Rô ma đến địa phương. Trong Thánh lễ này chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội…”

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) càng nhấn mạnh đến sự hợp nhất trong Giáo Hội. Hợp nhất ở đây không phải hợp nhất một nhóm người với nhau, mà là tất cả mọi người hợp nhất trong Chúa Ki tô. Muốn vậy, mỗi người phải loại bỏ khỏi mình óc bè phái, kỳ thị, báo thù… Chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của Chúa Giê su, Người đã từ bỏ bản thân mình vì hạnh phúc nhân loại.

Cuối bài giảng Đức Cha chủ tịch nói: Trong kỳ họp này chúng tôi trao đổi rất nhiều vấn đề của Giáo Hội Việt Nam, nhưng cũng còn nhiều giới hạn, cần xin Chúa trợ giúp. Xin anh chị em giúp chúng tôi bằng lời cầu nguyện và cộng tác với chúng tôi trong việc sống đạo theo đúng đường hướng thư chung của HĐGMVN đã gửi tới mọi thành phần dân Chúa trong khắp các giáo phận. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha Giuse Đặng Đức Ngân - Tổng Đại diện giáo phận Hà Nội cám ơn quý Đức Cha và mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ chiều nay.

Cuối cùng Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đại diện cho Giám Mục đoàn đáp từ, ngài nói: “Tôi cám ơn Đức Tồng Giám Mục Hà Nội, cám ơn Cha xứ nhà thờ Chính Toà Hà Nội, và cám ơn anh chị em giáo phận Hà Nội đã tiếp đón anh em Giám Mục chúng tôi. Đồng thời tạo điều kiện cho chúng tôi thấy một bầu khí ấm cúng như gia đình của mình vậy. Anh chị em đã giúp chúng tôi bằng những góp ý xây dựng cho Giáo Hội và cho đất nước chúng ta…”

Sau cùng là phép lành cuối lễ và cộng đoàn cùng hát bài “Hãy đi rao giảng Tin Mừng”.

Nguyện xin Thiên Chúa nguồn mạch của tình yêu tuôn đổ muôn phúc lành cho Giáo Hội Chúa, đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng con mãi mãi sống trung thành với Đức tin, và làm cho Nước Chúa mỗi ngày được triển nở thêm.

 Trường Giang

Mục lục

 

Diễn Nguyện Chuỗi Mân Côi Của Đời Tôi tại Nhà Thờ Đaminh - Ba Chuông

 

Tối ngày 13-10, nhân kỉ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Phatima, các nữ tu dòng Mân Côi – Chí Hòa, đã kết hợp với giáo xứ Đa Minh tổ chức buổi diễn nguyện “Chuỗi Mân Côi trong đời tôi”.

 

Sau phần tập hát của cộng đồng, buổi diễn nguyện được khởi sự vào lúc 18g45, bằng việc chiếu trích đoạn phim về biến cố Đức mẹ hiện ra tại Phatima. Mẹ đã hiện ra với ba trẻ : Lucia, Phanxicô và Giaxinta những ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917, và đã để lại ba mệnh lệnh cho thế giới : Hoán cải đời sống - Tôn sùng mẫu tâm, và Siêng năng lần chuỗi mân côi.


Kế đó là phần lắng nghe Lời Chúa và làm phép các xâu chuỗi Mân Côi do cha bề trên chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh op chủ sự. các chuỗi mân côi 10 hạt được để trong những bao nhựa riêng biệt, kèm với một tờ giấy ghi số ngắm và Mùa Mân côi, mà ai nhận được sẽ đọc trong tháng 10 và tháng 11. Như vậy mỗi người với mười kinh của mình, sẽ được hòa vào tràng chuỗi kinh mân côi sống của toàn thể giáo hội.


Phần diễn nguyện được bắt đầu bằng một hoạt cảnh về những tín hữu, tùy theo cách đọc kinh mân côi sốt sắng hay lơ đễnh, sẽ nhận được những hiệu quả khác nhau. Tiếp đó. là chứng từ của một giáo dân. Cách đây bốn năm anh bị sơ gan cổ chướng vào giai đoạn chót, bác sĩ đã chê. Thế nhưng nhờ gia đình và nhất là người vợ yêu quý, anh tin tưởng vào Đức Mẹ và đã được chữa lành. Anh cổ võ mọi người nên đọc Kinh mân côi để tỉm được bìnhan trong mỗi ngày sống.


Cuối cùng là bản hợp xướng Lời Kinh Mân Côi, với phần múa minh họa dịu dàng và sốt sáng của đoàn thiếu nữ xinh xắn, và khoảng 20 diễn viên nhí trong trang phục các dòng tu, trên tay cầm tràng hạt như một lời mời gọi gửi đến cho mọi người tham dự. Buổi diễn nguyện kết thúc bản bài hát “Tràng Hoa Mân Côi” của toàn thể cộng đoàn.


Xin cảm ơn các nữ tu Mân Côi và giáo xứ Đa Minh, đã có sáng kiến và nhiều nỗ lực để cổ võ kinh mân côi vốn là gia sản của Dòng, đến các gia đình và từng người.

 

Mục lục

 

ĐẠI HỘI HỘI ĐÒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM LẦN X

Từ ngày 8-12/10-2007


BẢN ĐÚC KẾT



 

1. Các Đức Cha đã đến tham dự đông đủ, chỉ vắng Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận vì đau yếu.


2. Đại hội đã gửi thư lên Đức Thánh Cha Bênêđictô và Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng để bày tỏ tình hiệp thông với Toà thánh. Ngay ngày đầu tiên, Đại hội đã nhận được thư của Bộ chúc mừng Đại hội.


3. Ban Tôn giáo Chính phủ và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội cũng đến tặng hoa chúc mừng và bày tỏ mối thịnh tình đối với Giáo hội. Nhân dịp này, Quý Đức cha đã thẳng thắn góp ý về cách giải quyết những vấn đề còn vướng mắc về đất đai và về Chủng viện.


4. Nhìn lại một năm qua, các Giáo phận đã có nhiều sáng kiến thực hành Thư Mục vụ 2006 của HĐGM, đặc biệt qua việc học hỏi, thực hành bác ái và đẩy mạnh truyền giáo. Tuy còn nhiều khó khăn, các Giáo phận đã có những phấn đấu đáng kể để phát triển Giáo hội về các mặt: đào tạo nhân sự, xây dựng cơ sở, dấn thân phục vụ người nghèo, người dân tộc….


5. Đại hội đặc biệt ghi nhận nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi của các Uỷ ban. Điển hình, Uỷ ban Linh mục và Chủng viện với Ratio chương trình đào tạo cho các Chủng viện được soạn thảo rất công phu; Uỷ ban Bác ái xã hội đã hoạt động tích cực cứu giúp nạn nhân thiên tai hàng chục tỷ đồng; Uỷ ban Phụng tự đã hoàn thành thêm bản dịch sách Bài đọc Mùa Chay, sách lễ Rôma phần Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh và Mùa Chay, nhất là có thêm bản dịch sách Lễ Rôma bằng tiếng K'Ho.


6. Trước tình hình giáo dục hiện tại, Đại hội quyết định gửi thư chung cho Cộng đồng Dân Chúa để gây ý thức về một nền giáo dục toàn vẹn, đào tạo những công dân tương lai tốt đẹp cho xã hội và cho Giáo hội.

7. Một Quy chế mới đã nhanh chóng được chấp thuận đáp ứng những sinh hoạt mới của HĐGM.


8. Đại hội đã bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban cho nhiệm kỳ 2007 - 2010.


9. Đại hội quyết định tổ chức mừng kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam bằng những hoạt động có ý nghĩa nhằm phát huy sức mạnh của mọi thành phần Dân Chúa để phát triển Giáo hội.


Hà nội, ngày 12 tháng 10 năm 2007

Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Thư ký HĐGM VN

 

Mục lục

 

 

DANH SÁCH BAN THƯỜNG VỤ VÀ ĐẶC TRÁCH CÁC UỶ BAN

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

NHIỆM KỲ 2007 – 2010

Chủ tịch: GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

 Phó Chủ tịch: GM Giuse Nguyễn Chí Linh

Tổng Thư ký: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Phó Tổng Thư ký: GM Giuse Võ Đức Minh.

Các Ủy ban

Giám mục đặc trách

Uỷ ban Giáo lý Đức tin

GM Phaolô Bùi Văn Đọc

Uỷ ban Kinh thánh

GM Giuse Võ Đức Minh

Uỷ ban Phụng tự

GM Phêrô Trần Đình Tứ

Uỷ ban Nghệ thuật thánh

GM Phêrô Trần Đình Tứ

Uỷ ban Thánh nhạc

GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Uỷ ban Loan báo Tin mừng

GM Micae Hoàng Đức Oanh

Uỷ ban Giáo sĩ - Chủng sinh

GM Antôn Vũ Huy Chương

Uỷ ban Tu sĩ

GM Giuse Hoàng Văn Tiệm

Uỷ ban Giáo dân

GM Giuse Trần Xuân Tiếu

Uỷ ban Mục vụ Gia đình

GM Giuse Châu Ngọc Tri

Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ

GM Giuse Vũ Văn Thiên

Uỷ ban Di dân

ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Uỷ ban Bác ái Xã hội

GM Đaminh Nguyễn Chu Trinh

Uỷ ban Văn hoá

GM Giuse Vũ Duy Thống

Uỷ ban Truyền thông Xã hội

GM Phêrô Nguyễn Văn Đệ

 

 

(LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn)

Mục lục

 

 

 

THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

GIÁO DỤC HÔM NAY, XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGÀY MAI

 

 

Kính gửi: Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam.

LỜI MỞ

1 Từ Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ X tổ chức tại Toà Tổng Giám Mục Hà-nội từ 08 đến 12-10-2007, chúng tôi, Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc 26 giáo phận Việt Nam, xin gửi lời chào thân ái và lời chúc bình an đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Đặc biệt, trong tình hiệp thông liên đới và lời cầu nguyện, chúng tôi bày tỏ niềm cảm thông và phân ưu sâu sắc đối với các thân nhân và nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và cơn bão số 5 (Lekima) ngày 02-10-2007.

2 Anh chị em thân mến,

Với các thư trước, chúng ta đã đào sâu việc thực hành đức tin qua phong cách sống mầu nhiệm Thánh Thể (2004), sống Lời Chúa (2005) và sống Đạo (2006). Tiếp tục theo đuổi định hướng đó và trong viễn ảnh chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm vào năm 2010, Thư Chung năm nay lấy giáo dục Kitô giáo làm chủ đề. Điều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng và đặc biệt hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cương quyết nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.

3 Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân nước trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần.

I. NỀN TẢNG GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

CHÚA CHA VÀ CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG.

4 Công trình giáo dục Kitô giáo, trước khi là công khó của con người, đã là kế hoạch của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người khả năng đạt tới chân lý và tự do (x. Hc 17, 3 &7), Thiên Chúa Cha đã định hướng công trình sáng tạo vũ trụ của Ngài bằng một đường lối sư phạm mềm dẻo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người. Thuở ban đầu, vì Dân Ngài chọn còn cứng lòng nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc (x. Lv 26, 14-46; Đnl 28, 15-45), nhưng dần dà, từng bước một, Ngài tỏ cho họ thấy Ngài vẫn là một Thiên Chúa “thành tín trong mọi lời Ngài phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm” (Tv 144, 13b).

CHÚA CON VÀ TIN MỪNG CỨU ĐỘ.

5 Đường lối sư phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định mình “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 6, 14). Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

CHÚA THÁNH THẦN VÀ VAI TRÒ TÁC THÁNH

6 Những con người đầu tiên xuất thân từ trường học của Chúa Giêsu là các tông đồ. Chúa Giêsu là thầy dạy nhưng chính Thánh Thần mới là Đấng tác động để giáo huấn của Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của tông đồ, trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe. Nhờ Thánh Thần, Thánh Phaolô đã cảm thấy lời rao giảng của ngài được đón nhận ‘như chính Lời Thiên Chúa’ (x. 1 Thes 2, 13). Ngài còn quả quyết : “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8, 14-17).

GÍAO HỘI VÀ SỨ MẠNG GIÁO DỤC.

7 Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục” (TN/GD, lời mở đầu). Sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 2).

Sứ mạng đó được thể hiện thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đó là vấn nạn cần phải đặt ra, nếu chúng ta muốn có những định hướng cụ thể cho sứ mạng giáo dục Kitô giáo của Giáo Hội Việt Nam.

II. HIỆN TÌNH GIÁO DỤC KITÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM

NHỮNG DẤU HIỆU LẠC QUAN.

8 Dù còn phải đối diện với vô vàn khó khăn của thời đại – cơn khủng hoảng về chân lý, về các giá trị đạo đức, chủ nghĩa tương đối – lãnh vực giáo dục hiện nay, trong môi trường xã hội cũng như Giáo Hội, đã được quan tâm hơn và đang có những chuyển biến tích cực. Về phía xã hội, hiện đang có nhiều nỗ lực lành mạnh hóa môi trường giáo dục, bài trừ bệnh thành tích và tiêu cực trong học hành thi cử. Về phía phụ huynh, không ít người sẵn sàng chắt chiu dành dụm từng đồng cho con cái ăn học. Những trung tâm luyện thi, lớp ngoại khóa mọc lên như nấm khắp nơi mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu học viên mỗi lúc một gia tăng.

9 Về phía người Công giáo, sự hiện diện của giới trẻ trong môi trường giáo dục xã hội đã phần nào được bình thường hóa : lý lịch Thiên Chúa Giáo không còn bị kỳ thị và phân loại như trước đây. Nhờ đó, số sinh viên Công giáo bậc đại học đã tăng lên đáng kể, ngay cả tại những miền thôn quê. Trong lãnh vực đức tin, các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân ngày càng đông học viên cho thấy giới trẻ Việt Nam ngày nay, ngược với trào lưu dửng dưng tôn giáo phương Tây, vẫn còn quí trọng những giá trị Kitô giáo.

10 Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và tin học ngày càng được xử dụng rộng rãi hơn trong mọi lãnh vực xã hội, cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa ngành giáo dục trong xã hội cũng như Giáo Hội.

NHỮNG MỐI QUAN NGẠI.

11 Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu lạc quan, cũng không thiếu những điều đáng quan ngại. Trước hết phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục. Do ảnh hưởng của não trạng duy kinh tế, nền giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng. Vì phải chạy theo công ăn việc làm, người ta không còn dành thì giờ cho các cuộc sum họp đầm ấm gia đình, những bữa ăn đông đủ càng lúc càng hiếm hoi. Tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cái vì thế mà mỗi lúc một lỏng lẻo suy yếu. Hậu quả là môi trường gia đình, vốn được mệnh danh là “mái ấm”, không còn nồng nàn tình cảm như xưa.

Chủ nghĩa khoa bảng cũng đang gây ra nguy cơ đưa gia đình vào thái độ háo danh. Bậc phụ huynh và ngay cả con cái, muốn có bằng cấp chủ yếu là để được nở mày nở mặt, để có công ăn việc làm tốt, mà quên đi rằng mục đích cao đẹp nhất của giáo dục là “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

12 Điều cũng đáng quan ngại là bất cập trong phương cách giáo dục. Hình như người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người. Học sinh đến trường nghĩ đến đối phó với thi cử nhiều hơn là học làm người. Nhà trường quan tâm đến chỉ tiêu và kỳ tích nhiều hơn là đến sứ vụ xây dựng thực lực cho học sinh.

13 Chủ nghĩa giáo điều trong giảng dạy vẫn còn là một hiện tượng khá phổ biến. Thầy cô thường dạy cho học sinh cách sao chép nguyên mẫu kiến thức, ấn định những bài văn mẫu, làm bài theo đáp án mẫu nhiều hơn là huấn luyện họ biết sáng tạo, tìm tòi bằng chính nỗ lực riêng của mình.

14 Mặt trái của phương tiện truyền thông cũng là một trong những yếu tố tác hại giáo dục. Tuy góp phần thắp lên nhiều điểm sáng về những giá trị nhân bản, truyền thông cũng tạo cơ hội cho nhiều lạm dụng đáng tiếc. Vì thiếu ý thức, người sử dụng – phần lớn là giới trẻ – thay vì thận trọng gạn lọc để tiếp thu tinh hoa, lại sa vào cạm bẫy của những loại hình văn hóa phi đạo đức.

15 Trong lãnh vực đức tin, nhiều bậc phụ huynh công giáo, kể cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thông truyền đức tin cho con cái, không tổ chức hoặc không lo lắng cho con em tham dự những lớp giáo lý tại giáo xứ.

Một số nơi, giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng để được lãnh bí tích. Việc giảng dạy chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù hợp và chưa đi với chứng từ sống động của người rao truyền.

Những bất cập trên đây đòi chúng ta phải điều chỉnh lại cung cách giáo dục đức tin cho đúng tinh thần Tin Mừng. Cụ thể là phải đề ra phương hướng để hành động cho Kitô hữu Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện nay.

III. ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC KITÔ GIÁO.

16 Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo Hội và tiền đồ dân tộc, Giáo Hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho mọi người cách hiệu quả và thiết thực hơn. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này, một sứ mạng mang nhiều đặc tính biệt loại so với nền giáo dục xã hội trần thế.

MỘT SỨ MẠNG MANG TÍNH PHỔ CẬP

17 Cũng như Đức Giêsu được sai đến với muôn dân (xem Lc 4, 18-19), Giáo hội cũng có sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người (Mc 16, 15), không phân biệt thành phần, đẳng cấp xã hội hay điều kiện kinh tế. Sứ mạng đó không phải chỉ là sứ mạng của riêng thành phần nào, nhưng bao trùm toàn thể Giáo Hội mọi nơi mọi thời, mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn (x. TH/KTHGD 1).

18 Sứ mạng đó bắt đầu bằng công cuộc nhập thế do công đồng Vatican II đề ra. Trước khi truyền đạt đức tin, Giáo Hội có sứ mạng “phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn” (TN/GD 3). Muốn vậy, Giáo Hội cần phải có chỗ đứng trong nền giáo dục của bất kỳ thể chế xã hội nào. Tại Việt Nam, điều đáng lạc quan là giáo dục, từ trước vẫn được coi là lãnh vực độc quyền của Nhà Nước, nay đã được “xã hội hóa”. Theo định hướng đó, tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục.

19 Nhưng cũng đáng tiếc là đối với các tổ chức tôn giáo tại Việt nam, cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt : tôn giáo chỉ có quyền mở trường tư thục cấp mẫu giáo. Dù vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, như mở lớp tình thương, lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật, Giáo Hội công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ.

20 Trong lãnh vực đức tin, có lẽ hình ảnh đẹp nhất để diễn tả nét sinh động của nền giáo dục Kitô giáo là hình ảnh cành nho của Chúa Giêsu (x. Ga 15, 16). Hình ảnh đó đặc biệt rõ nét hơn trong hoạt động của các giáo lý viên. Họ giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô, hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Giêsu để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa.

21 Theo nghĩa đó, mọi Kitô hữu chúng ta đều là giáo lý viên, bởi vì qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục trong đó, theo lời Đức Gioan Phaolô II, “mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện : chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác” (TH/KTHGD 7). Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em mình (x. Lc 22, 31-33). Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta.

CÁC ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN

22 Tính phổ cập của nền giáo dục Kitô giáo một mặt không miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ ai, một mặt cũng đòi buộc Kitô hữu không được loại trừ bất kỳ đối tượng nào. Muốn thế, Kitô hữu cần quan tâm hơn đến những thành phần thường bị xã hội ruồng rẫy, khinh miệt, lãng quên : người thất học, trẻ em không có điều kiện đến trường, thành phần cô lập do mặc cảm hay bị kỳ thị. Chúa Giêsu khẳng định rằng sứ mệnh hàng đầu của Ngài là loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, lao tù, mù lòa, bị áp bức (Lc 4, 18ss).

23 Trong bối cảnh công nghiệp hóa của những xã hội đang phát triển, nghề nông thủ công truyền thống không còn đủ lợi tức nuôi sống người lao động, rất nhiều người trong họ không còn con đường nào khác hơn là trở thành di dân về thành thị tìm công ăn việc làm. Họ phải chịu bao nhiêu thứ thiếu thốn thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần trên đất khách quê người. Để có thể duy trì phần nào đời sống đức tin có nguy cơ bị công ăn việc làm vùi dập. Họ cần phải hòa mình vào bầu khí đạo đức của các giáo xứ nơi họ tạm cư. Cha xứ và giáo xứ địa phương cũng cần phải sẵn lòng nâng đỡ, chia sẻ, đón tiếp dân, tạo điều kiện để họ sớm hội nhập vào các sinh họat đạo đức và văn hóa nơi họ sinh sống. Lời Chúa và khung cảnh tình thân của giáo xứ là môi trường và là điều kiện cần thiết để an ủi và khích lệ đức tin của họ nơi Thiên Chúa, Đấng có đủ quyền năng biến cảnh sống tha hương của họ thành cuộc hành hương đầy ý nghĩa hướng về Quê Trời.

24 Thiếu nhi và giới trẻ cũng là những thành phần rất đáng quan tâm ở hàng ưu tiên. Thiếu nhi, những trang giấy trắng đang chờ in những hình ảnh tươi đẹp, cần phải được thụ hưởng một nền giáo dục chân chính về nội dung và hiệu quả về phương pháp, làm vốn liếng hành trang hữu ích cho suốt cuộc hành trình làm người và đức tin.

25 Giới trẻ, “tương lai của Giáo Hội và thế giới” (HT/VH 38), cần phải nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các nhà giáo dục và các thế hệ đi trước để nhiệt huyết tuổi trẻ của họ thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội và Giáo Hội.

MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC

26 Trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu. Tuy vậy, trong thực tế, các “nhà giáo” mới thực sự là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục nguyên nghiệp. Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã thiết tha kêu gọi các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Công giáo hay không Công giáo tích cực làm nhân chứng cho Tin Mừng (x. TH/KTHGD 6). Như thế ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Đức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa.

27 Đại chủng viện và Học viện Công giáo, những trung tâm giáo dục có hệ thống nhân sự và phương tiện đầy đủ nhất, phải đóng đúng vai trò của mình bằng việc “đào tạo những người sẽ đảm nhận công việc huấn luyện giáo dân” (x. TH/KTHGD 7). Các cơ sở này không những chỉ cung cấp cho Giáo Hội những thầy giáo, mà còn đào tạo các môn đệ của Chúa Giêsu. Mỗi học viên sẽ rời học viện vào một lúc nào đó khi mãn trường hay khi đi nhận một nhiệm vụ mới, nhưng không bao giờ rời trường học của Chúa Giêsu, vị Thầy muôn thuở của các nhà giáo dục đào tạo.

28 Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (GHXH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội.

29 Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế. Tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố.

30 Với những lớp huấn giáo là những phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo, cha xứ cùng với các giảng viên sẽ chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và huấn giáo cho các học viên chuẩn bị lãnh các bí tích. Tại đây, giáo dân có môi trường thể hiện đức tin với các thành phần khác của cộng đòan và được tham dự cách ý thức vào các giờ kinh lễ, phụng vụ, bí tích. Đó là những hình thức tham gia trực tiếp và hữu hiệu vào công trình giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 4).

31 Cùng với giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể Công Giáo và cộng đoàn Giáo Hội cơ bản cũng là những môi trường không thể thiếu để giáo dục Kitô giáo được triển nở tòan vẹn và quân bình.

TÍNH TOÀN DIỆN CỦA GIÁO DỤC KTÔ GIÁO

32 Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gia. 2, 17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian.

33 Vì con người là linh hồn nhập thể, khi giáo dục đức tin, Giáo Hội cũng nhằm đến giáo dục con người toàn diện để giúp họ nhận ra phẩm giá của mình. Khi ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình, Kitô hữu cũng nhận lấy sứ mạng để sẵn sàng lên đường loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho người chưa tin và củng cố lòng tin của anh chị em mình. Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung. Cũng như sứ mạng tín hữu mãi mãi là được sai đi, tới cánh đồng lúa chín đang thiếu thợ gặt (x. Mt 9, 37). Vấn đề giáo dục Kitô giáo ở đây hôm nay là quyết tâm bồi dưỡng phẩm giá để thực thi sứ mạng và càng biết thực thi sứ mạng, phẩm giá lại càng được củng cố hơn.

34 Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình.

35 Luôn ý thức về sứ mạng làm chứng cho Chân lý, Giáo Hội của Đức Kitô trải qua mọi thời đại đã góp tiếng nói của mình qua những giáo huấn mang tính xã hội. Nhờ đó, Giáo Hội chia sẻ với nhân loại ‘những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng’ (x. GS 1). Với giáo huấn của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống các mối quan hệ xã hội. Khi đưa ra những chủ trương và đường lối của mình trong lãnh vực xã hội, Giáo Hội thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình trước những trào lưu đi ngược lại với giáo huấn Tin Mừng và đạo đức xã hội.

36 Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luật luân lý nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác. Bởi vì “lương tâm là luật tự nhiên vốn phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người” (GHXH/GH 140), nên “lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý” (GS 16). Khi có lương tâm ngay thẳng, con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phảm giá và sự sống con người hơn.

37 Sau hết, vì luôn là một sinh họat gắn liền với một không gian nhất định, giáo dục phải được liên kết với truyền thống văn hóa của không gian ấy. Đặt vấn đề giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam. Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam.

38 Giáo dục là cả một công trình lâu dài không thể hoàn thành ngay. Tuy nhiên từng bước một, cần phải đưa ra những mục tiêu mũi nhọn cho từng giai đoạn. Đại hội năm nay đề ra phương hướng chấn chỉnh lại nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam, có nghĩa là phương hướng đó sẽ được thể hiện trong những năm tới. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy thực hiện ba bước sau đây :

- 2008 : chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình công giáo.

- 2009 : chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên.

- 2010 : chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ.

LỜI KẾT

39 Anh chị em thân mến,

Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là : “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”.

Dưới sự bảo trợ của Mẹ La Vang, thánh Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin mời anh chị em cùng chung vai gánh vác mọi phận vụ của công trình giáo dục Kitô giáo để, với đức tin sống động, Giáo Hội Việt Nam sẽ nỗ lực làm vinh danh Chúa hơn và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người.

Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.

 

Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2007

 

+ Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN

Chủ tịch HĐGM/VN

 

+ Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Tổng thư ký HĐGM/VN

 

Những chữ viết tắt:

- TN/GD: Tuyên Ngôn về Giáo Dục

- HT/VH: Huấn Thị về Văn Hoá

- TĐ/TCLTY:Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu

- TH/KTHGD: Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân

- GS: Hiến chế Gaudium et Spes

- GHXH/GH: Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội

- PO: Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis.

 

 

Mục lục

 

Kỷ niệm 90 năm lần cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (13/10/1917- 13/10-2007)


Fatima: Vào hôm nay 13/10, kỷ niệm đúng 90 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima, ước lượng sẽ có hơn 250,000 khách hành hương sẽ đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Fatima tại Bồ Đào Nha và cũng là ngày cung hiến tân thánh đường tại đền thánh có sức chứa khoảng 9000 người lấy tên là Thánh Đường Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Vào ngày 13/10/1017 năm xưa, ba trẻ chăn chiên đã được Đức Mẹ hiện ra trong thời gian 5 tháng trước đó, đã cùng hiện diện với đám đông ước lượng khoảng 70,000 người, trong số có những người tin, những người đến vì tò mò, để cùng chứng kiến lần hiện ra cuối cùng tại Fatima. Mặc dầu chỉ có 3 trẻ đã được thị kiến nhìn thấy Mẹ hiện ra, nhưng tất cả những người hiện diện chỉ nhìn thấy những biển chuyển chung quanh như mặt trời xoáy vòng tròn nhưng một vòng lửa, tưởng chừng như sà xuống để thiêu đốt trái đất với những tia sáng của nó.


Ngày nay những biến cố được trông thấy vào ngày 13/10/1917 được miêu tả là “Phép lạ của Mặt Trời”. Cũng qua chính phép lạ ấy, cánh đồng hiu quạnh của các em chăn chiên vui chơi với đàn chiên của mình năm xưa, nay trở thành Đền Thánh Đức Mẹ với con số khách hành hương lũ lượt đến kính viếng với con số chưa từng thấy, ước lượng mỗi năm có khoảng hơn 5 triệu khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng. Tượng Đức Mẹ Fatima cũng được luân phiên cung nghinh và được đón rước đến toàn thế giới trong đó có cả Việt Nam.


Ba trẻ được nhìn thấy Mẹ hiện ra, Francisco Marto, Jancinta Marto và Lucia. Hai em Francisco và Jancita đã qua đời sau đó 2 năm vì bệnh cúm và đã được Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Chân Phước vào ngày 13/5 trong Năm Thánh 2000. Cũng chính Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đã sùng kính Mẹ Maria một cách rất đặc biệt với khẩu hiệu “Tất cả cho Mẹ” đã được Mẹ Maria cứu thoát trong cuộc ám sát vào ngày 13/5/1981 cũng là năm kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima trong tháng 5.


Trẻ chăn chiên cuối cùng sống sót là Dì Phước Lucia dos Santos thuộc Dòng Kín Carmêlô, đã qua đời vào năm 2005 hưởng thọ 97 tuổi. Thánh lễ an táng đã được cử hành dưới sự chủ tế của vị đặc sứ Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Tracisio Bertone, SDB (Dòng Salesien Don Bosco), nay là Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh.


Cũng chính Đức Hồng Y Bertone là nhân vật thứ 2 trong Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới quyền của Bộ Trưởng là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nay là đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI, đã được chỉ định là người nghiên cứu và điều tra những gì còn lại của biến cố Fatima, là người đã hợp tác để cho công bố “Bí Mật Thứ 3 của Fatima” nhân dịp phong Chân Phước 2 trẻ Francisco và Jancinta vào năm Thánh 2000.


Vào tháng 4/2007, trong cuốn sách hồi ký kể lại cuộc đối thoại với Nữ Tu Lucica, Đức Hồng Y Bertone cũng đã khẳng định một điều là tất cả các bí mật Fatima đã được tiết lộ, không có chuyện Tòa Thánh giữ lại “Bí Mật Fatima thứ 4” như nhiều người đã càm ràm và loan đi.


Vào sáng sớm hôm nay 13/10/2007, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ cung hiến tân thánh đường mới, ngôi thánh đường kế tiếp Vương Cung Thánh Đường cũ vốn đã được xây vào những năm ngay sau khi có những lần hiện ra tại Fatima.


Ngôi Thánh Đường mới này đã được xây với kinh phí 113 triệu Eurô, tuy nhiên ngôi Thánh Đường này đặc biệt hơn các ngôi thánh đường khác vì nó dùng điện từ nhiên liệu mặt trời, hẳn nhiên đó là điều mà thế giới đang mong muốn để giải quyết môi trường đang bị hâm nóng vì khí đốt đã thải ra do con người gây ra.


Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, sẽ đọc sứ điệp được truyền đi trực tiếp qua hệ thống truyền hình tới khách hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Fatima vào trưa Chúa Nhật ngày mai 14/10 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hàng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Hôm nay kỷ niệm 90 năm cuối cùng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, lực lượng Công An Phòng Vệ Quốc Gia sẽ có mặt 300 nhân viên và 150 Bác Sĩ và Y Tá để phòng vệ và trợ giúp khách hành hương, chưa kể số người trợ giúp làm việc thiện nguyện.


Ngôi Thánh Đường mới với bức tường có diện tích 500 mét vuông được lát bằng đá do người Bồ Đào Nha thủ công bằng tay, trên đó có khắc ghi Lời Chúa trong Kinh Thánh bằng 23 ngôn ngữ trên thế giới, đến nay vẫn chưa xác định là có Lời Chúa bằng tiếng Việt được khắc ghi trên đó hay không.


Đức Ông Luciano Guerra, chánh xứ đền thánh cho biết “Tôi cảm tạ Chúa, tôi không phải lo lắng về tiền bạc”. Vì ngay cả những dự án thánh thiện như thế cũng có thể gây ra khổ sở vì bị trì hoãn hay kinh phí đã quá mức hạn định: ngôi thánh đường này nguyên thủy được đề ra với kinh phí 40 triệu Euro và mở cửa vào ngày 13/5.


Nhưng một chuyện là, kiến trúc sư vẻ kiểu cho ngôi thánh đường này không phải là người Công Giáo mà đó là ông Alexandros Tombazis, một người Chính Thống Giáo Hy Lạp, ông đã rất khiêm nhường để vẽ sơ đồ cho tân thánh đường này. Ông đã cố gắng vẽ kiểu để sao không thể làm lu mờ đi thiết kế của Vương Cung Thánh Đường Fatima đã hiện diện hàng mấy chục năm nay. Đối với Vương Cung Thánh Đường Fatima là Thánh Đường cũ, các vị lãnh đạo giáo hội đã than phiền là quá nhỏ không đủ sức chứa cho nên mới phải tiến hành ngôi thánh đường mới.


Được thiết kế như đi vào hang động, tân thánh đường có diện tích 12,000 mét vuông với 13 cửa bằng đồng tượng trưng cho Chúa Giêsu và 12 Thánh Tông Đồ trong bữa tiệc ly cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự. Tân Thánh Đường bao gồm 5 nguyện đường nhỏ, gần 50 Tòa Giải Tội và bên ngoài có tiệm càphê để khách hành hương dừng chân nghỉ ngơi và chuyện vãn. Tân Thánh Đường với trần hình vòng cung và đặc biệt không có cột, như thế sẽ không gây ảnh hưởng bị che khuất khi trực tiếp truyền hình Thánh Lễ truyền ra bên ngoài. Các hệ thống máy com-piu-tờ sẽ điều khiển hệ thống âm thánh ánh sáng trong ngôi tân thánh đường.


Hãy nhắm mắt hình dung tưởng tượng xem tân thánh đường này lớn như thế nào, nhà thờ trung bình tại Anh Quốc với sức chứa 100 người, nhà thờ Chánh Tòa thánh Phaolô với sức chứa 2500 người. Nhưng tân Thánh Đường Thiên Chúa Ba Ngôi có sức chứa 9000 người, bên trong không hề có một cây cột nào, thật là hết sức tưởng tượng. Nếu có dịp kính mời quý vị hãy đến Fatima cung nghinh và tôn sùng Đức Mẹ Fatima.


Nhân dịp này, xin mời quý vị và các bạn hãy cùng hát bài “ Hail Mary, Gentle Woman”sáng tác của Cha Carey Landry, lời Việt của Phạm Tất Hanh để tôn vinh Mẹ.


Xin nhấn vào đây để lấy xuống và nghe bài hát theo diện mp3 Hail Mary, Gentle Woman


Lời Việt Ngữ và Anh Ngữ:


Mừng Maria, phúc ân dư đầy

Vì Chúa ở cùng Bà

Diễm phúc diễm phúc hơn mọi nữ tỳ,

Và cũng diễm phúc thay con lòng Bà, Giêsu


Lạy Maria, Đức Mẹ Chúa Trời

Hãy cứu giúp chúng con lỗi lầm.

Giờ đây cũng như khi tử vong. Amen.


ĐK. Người phụ nữ hiền, sáng dịu êm

Là sao mai, uy quyền trong sáng.

Lạy Mẹ nhân hiền, hỡi Bồ Câu.

Xin dạy khôn ngoan, dạy yêu thương.


1. Người được cất nhắc,

Do quyền Chúa Trời.

Người đước tiến cử, vì Ngôi Con.

Người được cất nhắc, giữa muôn nữ tì.

Cho người phụ nữ, sáng tinh khôi.


2. Người được chúc phúc, giữa bao nữ tì.

Được chúc phúc muôn người phụ nữ.

Họ đước phúc những ai tinh thần an bình.

Phúc đức thay, ai có từ tâm.


***
Hail Mary, full of grace, the Lord is with you.

Blessed are you among women,

Anh blest is the fruit of your womb, Jesus.


Holy Mary, Mother of God,

Pray for us sinners now and at the hour of death. Amen.

Chorus: Gentle woman, quiet light, morning star,

So strong and bright, gentle Mother, peaceful dove,

Teach us wisdom, teach us love.


1.You were chosen by the Father;

you were chosen for the Son.

You were chosen from all women

and for woman, shining one.


2. Blessed are you among women,

Blest in turn all women, too.

Blessed they with peaceful spirits.

Blessed they with gentle hearts.


Kính thưa quý vị thưa các bạn, vì tôn trọng tác quyền, quý vị có thể lấy bài hát “Hail Mary, Gentle Woman” có dòng nhạc và lời ca trong các sách sau đây:


Tại Hoa Kỳ:

- Sách Chung Lời Tán Tụng (OCP phát hành) – Bài 24

- Sách Glory & Praise – Bài 426

- Sách Journey Song- Bài 489

- Sách Spirit & Songs 2- Bài 336

- Sách Gather (Edition2)- Bài 564

- Sách Gather Comprehensive- Bài 784

- Sách Gather Comprehensive (Edition 2) – Bài 779

- Sách Catholic Community Hymnal- Bài 416


Tại Australia:

- Sách Gather Australia- Bài 544

Ngọc Loan

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

TRUYỀN GIÁO BẰNG KINH MÂN CÔI

 

 

Trên chuyến xe lửa từ Lyon tới Paris, một chàng sinh viên sang trọng ngồi bên cạnh một ông già có dáng vẻ quê mùa. Nhưng điều khiến cho anh sinh viên chú ý đến ông già là cỗ tràng hạt trong tay ông và một niềm tin hiện ra trong mắt ông. Anh bắt chuyện : Thưa bác, cháu thấy dường như bác vẫn còn giữ những tập tục tôn giáo đã lỗi thời, việc lần hạt xưng tội giờ đây không phù hợp nữa. Cụ già chỉ im lặng…Chàng thanh niên nói tiếp : cháu đã khám phá ra nhiều sự thật khi lên đại học, nếu bác muốn sống đúng hơn, bác hãy bỏ xâu chuỗi kia đi để rảnh tay mà đọc những sách khoa học tiến bộ. Ông già nói : khoa học tiến bộ ư ? Tôi chỉ sợ là tôi không hiểu, cậu vui lòng giúp tôi chứ ?Chàng sinh viên vui vẻ đáp : Sao lại không ? Nếu bác muốn, cháu sẽ biếu bác mấy quyển sách, bác có thể cho cháu địa chỉ để cháu gửi cho bác. Ông già liền rút trong túi một tấm danh thiếp trao cho anh ta. Đọc tấm danh thiếp, anh chàng giật mình e thẹn và quá xấu hổ vì trên đó ghi hàng chữ : LOUIS PASTER, VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PARIS.

 

Ngày nay số người suy nghĩ như chàng sinh viên nói trên không phải là ít. Thực sự đối với ai không am tường về kinh Mân Côi, thì lần hạt đồng nghĩa với việc cầu nguyện máy móc, vô ích và lỗi thời. Nhưng đối với ai hiểu được thì đó là lỗi cầu nguyện đơn sơ, tốt lành rất đáng quý trọng, phù hợp với mọi người thuộc mọi lứa tuổi, ở mọi nơi và mọi thời.

 

Trong một thế giới văn minh như ngày nay,  mọi cái diễn tiến nhanh lẹ theo tốc độ của máy móc, của khoa học, nhu cầu của con người được đáp ứng tối đa, nhưng cuộc sống này vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi, bởi vì con người luôn ý thức rằng cuộc lữ hành dương thế không thể hiện bằng những bước chân, bằng những phương tiện tân tiến hay bằng độ dày của nền văn minh vật chất, nhưng bằng những hành vi tâm linh có ý thức và lựa chọn.

 

Thực ra, những gì con người thao thức, chính là tìm về ý nghĩa sâu xa của hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc mà của cải vật chất không thể đáp ứng, khoa học không thể lấp đầy, thì với kinh Mân Côi, cuộc đời con người được lồng vào mội lịch sử rộng lớn là ơn Cứu độ, là sự giải thoát. Trong lịch sử này, con người như tìm thấy chính mình trong một hình dạng và một ý nghĩa, thấy đời mình được hoà nhập trong những giá trị thánh thiêng của mầu nhiệm Đức Kitô, bởi vì kinh Mân Côi mang đầy dấu ấn Tin mừng.

Khi chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ qua kinh Mân côi, ta có thể tháp nhập đời mình vào niềm vui ơn cứu độ trong từng giây phút hiện tại, nhờ vậy ta có khả năng sống bình an và có khả năng đem hoà bình đến cho người khác. Thật vậy, hình ảnh của Sứ thần hiện lên như một nhà rao giảng chuyên nghiệp. Chính bản tính của các Sứ thần là loan báo tin vui và lời Sứ thần Gabriel là lời loan báo hoàn chỉnh : ‘ Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

 

Cũng cách thức ấy, chúng ta có thể dùng lời kinh Mân Côi để đem sứ điệp hoà bình đến với con người, nối kết tương quan giữa con người với Thiên Chúa trong chiều sâu thẳm nhất ; nối kết con người trong tương quan với nhau, và hơn hết là đưa con người tìm đến với niềm vui, đến bến bờ hạnh phúc mà con người vẫn ngày đêm kiếm tìm là chính Thiên Chúa. Khi suy gẫm về từng lời kinh Mân Côi, chúng ta tìm thấy hình ảnh của người rao giảng Tin mừng và học được nơi Sứ thần thái độ và cung cách loan báo Đức Kitô cho mọi người.

 

Vậy kinh Mân Côi là khí cụ để hoạt động tông đồ hiệu quả, vì lời rao giảng về Đức Kitô được chime ngắm và nghiền ngẫm trong từng lời kinh, giúp chúng ta có thể nói với mọi người về Chúa một cách đơn sơ, nhẹ nhàng như chính lời kinh đã được khai diễn một cách ngắn gọn, mạch lạc và tuần tự.

 

Nếu ngày nay người ta nhấn mạnh đến việc truyền giáo bằng đời sống thánh thiên, thì kinh Mân côi chính là phương thế giúp ta nên thánh, dễ dàng, bởi vì Theo Louis Marie de Montfort thì “việc lần chuỗi và suy ngắm các mầu nhiệm Mân Côi mang lại những hiệu quả tốt lành như :

 

Giúp ta dần dần hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

Thanh tẩy linh hồn sạch các tội lỗi và đam mê xấu.

Giúp ta thắng được những lôi cuốn thế gian.

Giúp ta thực hiện các nhân đức Kitô giáo.

Làm ta nên giàu có về ân sủng và công phúc.

Giúp ta đền đáp ơn Chúa và cầu nguyện cho mọi người được ơn trở lại”

 

Nhưng đáng quý hơn cả, kinh Mân côi chính là thầy dạy việc cầu nguyện. Kinh nghiệm mọi thời cho thấyai yêu mến kinh Mân côi thì cũng yêu mến việc cầu nguyện, và ai bỏ kinh Mân Côi thì cũng lơ là việc cầu nguyện. Khi lần chuỗi Mân côi, ta được sống trong bầu khí tràn ngập sự hiện diện của Chúa Giêsu, tâm hồn được tràn đầy tâm tình thánh thiện. Trong Tông thư “ Tiến Về Ngàn Năm thứ Ba”, Đức Gioan Phaolô II đã nói : “Kinh nguyện Mân Côi đơn sơ là tất cả nhịp sống của cuộc đời con người”. Vâng, nét đặc trưng của tình yêu là lặp đi lặp lại những lời lẽ đơn sơ theo một nhịp điệu. Để Kinh mân Côi trở thành nhịp sống, trở thành lời nguyện của tình yêu, chúng ta cần phải biết cách gắn bó với di sản thánh thiện này và không xao lãng việc lần chuỗi mỗi ngày, đồng thời luôn cố gắng rèn luyện cho việc lần chuỗi ngày càng đạt hiệu quả hơn.

 

Để đọc kinh Mân Côi cho tốt, trước hết chúng ta cần nhìn nhận đây là việc sùng kính bày tỏ lòng thảo hiếu đối với Mẹ Maria. Việc lần chuỗi giúp ta yếu mến Mẹ nhiều hơn, giúp ta có thêm phương thế hữu hiệu để sống thánh thiện hơn. Tiếp đến, chúng ta cần học hỏi và tìm đến với Đức Maria, người Mẹ chí ái, để thấy được vai trò mẫu mực của Mẹ trong đời sống cầu nguyện, để noi gương Mẹ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, để cùng Mẹ hành động, cùng Mẹ tiến bước, cùng Mẹ loan báo Tin mừng của Chúa không chút từ nan, vì khi suy ngắm các mầu nhiệm Mân côi là ta nhìn ngắm các hành vi, thái độ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria để hình ảnh đó in sâu vào tâm hồn và biến đổi con người của ta.

 

Đáp trả tình mẫu tử của Mẹ bằng tình con thảo, chúng ta sẽ phó thác cuộc đời ta cho Mẹ giáo dục dẫn dắt và không ngừng noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ, nhất là thái độ biết lắng nghe và vâng phục thánh ý Chúa, biết hiến thân trọn vẹn cho tình yêu Chúa, cho Giáo Hội, cho mọi người. Nhờ đó, chúng ta biết mở lòng đón nhận ân sủng Chúa Thánh Thần để đời sống thiêng liêng của ta được lớn lên và được đánh dấu bởi những cách ứng xử của Đức Kitô.

 

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, làm ăn vất vả. Có lẽ chuỗi Mân côi sẽ giúp giải quyết cái khó khăn thực tế ấy để nuôi dưỡng đời sống nội tâm cách phong phú. Điều thuận lợi của chuỗi Mân Côi là lần hạt ở đâu cũng được, ta không buộc phải đọc 50 kinh một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời giờ ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào ; khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, thay vì buồn phiề, tức giận, chán nản… hãy lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết học Jacques Maritain gọi là “ chiêm ngắm bên vệ đường”

 

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện phong phú bao trùm cả cuộc đời chúng ta, không phải bằng cách thu tích những ý tưởng tốt đẹp, nhưng bằng cách đặt toàn bộ đời sống chúng ta trước mặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vì mỗi khi đọc lời kinh “kính mừng Maria” là chúng ta nhắc đến cuộc hành trình cá nhân của mỗi người phải thực hiện từ sinh đến tử, đó là dành cả cuộc đời để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa và làm phát sinh những hoa quả đáng được chúc phúc. Mỗi lời xin “cầu cho chúng tôi là kẻ có tội”  là lời hiến dâng trong giai đoạn hiện tại của cuộc lữ hành tiến bước về quê trời, giai đoạn phải thực hiện những việc đạo đức, sống thánh thiện, giai đoạn tích trữ những công phúc làm hành trang cho cuộc sống mai sau. Và lời cầu ; cho chúng con… “trong giờ lâm tử” là lời kinh của giai đoạn cuối đời, lời kinh  khi trực diện với tử thần, lúc đó ta tin rằng mình sẽ không cô đơn đọc một mình, nhưng Đức Maria sẽ khẩn cầu cho chúng ta và dẫn chúng ta đến lãnh nhận nguồn ơn cứu độ. Bởi vì người nào chết với chuỗi Mân Côi trên tay thì chắc chắn Mẹ sẽ đón họ về với Chúa.

 

Tóm lại, kinh Mân Côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang nhiều lợi ích cho linh hồn. Đức Thánh Cha Phaolô VI tron tông huấn Marialis Cultus số 42 đã nói : “ Chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi…một lời kinh có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chime niệm, vừa là lời chúc tụng vừa là lời cầu xin. Cũng nên nhớ rằng kinh Mân Côi có sức linh nghiệm giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu và hoạt động tông đồ”.

 

Nữ tu Rose Vũ Loan, FMSR

Mục lục

 

 

TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á:

KỂ CHUYỆN CHÚA GIÊSU

 

 

Đức Cha Luis Antonio G. Tagle

Giám mục Imus, Philippin

Bài diễn văn chính trong Đại Hội Truyền Giáo Á Châu

Chiang Mai, Thái Lan 19 tháng 10, 2006

 

Đại Hội Truyền Giáo Á Châu là một dịp để thực hiện lời kêu gọi truyền giáo của Giáo Hội. Với lòng tri ân, Đại Hội nhớ lại những đường lối truyền giáo mà Giáo Hội đã vận dụng tại Châu Á. Đại Hội vui mừng vì những nỗ lực không ngừng dành cho công cuộc truyền giáo với biết bao chứng tá dũng cảm, đức tin sống động và tình yêu tha thiết. Đại Hội một lần nữa kêu gọi chúng ta nỗ lực dấn thân đáp lại mệnh lệnh ngàn đời của Chúa Giêsu Kitô là đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho toàn thể trái đất. Đại Hội hối thúc chúng ta tìm ra những phương thế mới để hiểu và thực hành truyền giáo, mà vẫn trung thành với Truyền Thống phong phú của Giáo Hội cũng như đáp ứng được các thực tại trước mắt đối với các dân tộc tại Châu Á.

 

Có thể cho rằng lịch sử của Giáo Hội cũng là lịch sử truyền giáo. Lịch sử đa tầng và đa sắc diện này, khởi đi từ thời Tân Ước, chứng thực cho nhiều phương cách Giáo Hội đã hiểu và thực hành truyền giáo. Chúng tôi đưa ra một nhận định này là giữa lòng Giáo Hội duy nhất và phổ quát vẫn hiện hữu các Giáo Hội địa phương với những hoàn cảnh lịch sử hết sức đăc thù, và bởi đó cũng tồn tại rất nhiều kinh nghiệm và quan niệm riêng về truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tái khẳng định trong Thông Điệp Redemptoris Missio (RM) cái nhìn căn bản của Sắc Lệnh Ad Gentes (AG) [1] rằng truyền giáo là một thực tại đơn nhất nhưng lại đa dạng, được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau.[2] Sát cánh cùng Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm một cách năng động những phương hướng truyền giáo thích hợp cho thời điểm và vị trí đặc thù của chúng ta, Đại Hội đề xuất một sự tìm hiểu và thực hành truyền giáo tập chú vào Câu Chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á.

 

Một câu chuyện không chỉ là một câu chuyện đơn thuần. Một câu chuyện chỉ thật sự là một câu chuyện khi được truyền hoặc được kể, và được khao khát lắng nghe. Ngày hôm nay một trong những thể loại kể chuyện là chia sẻ. Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia (EAs), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày truyền giáo như là sự chia sẻ ánh sáng đức tin vào Chúa Giêsu, một hồng ân đón nhận cũng là một hồng ân để chia sẻ cho các dân tộc ở Châu Á [3]. Sự chia sẻ ấy có thể mang hình thức kể chuyện Chúa Giêsu. Tôi tin rằng kể chuyện đưa ra một khuôn khổ đầy  sáng tạo để hiểu rõ công cuộc truyền giáo tại Châu Á, một lục địa mà các nền văn hoá cũng như các tôn giáo đã cắm rễ sâu vào các câu chuyện tuyệt vời hoặc các thiên sử thi. Đức Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận phương pháp kể chuyện, vốn gần gũi với các hình thức văn hoá Á Châu là một phương thế thích hợp để loan tin Chúa Giêsu tại Châu Á (EAs 20).

 

Hiểu ‘Câu Chuyện’ và Kể Chuyện

 

 Đời sống con người không thể nào tưởng tượng được nếu không có các câu chuyện. Đời sống tự nó mang một cơ cấu chuyện kể. Câu chuyện làm trung gian giữa đời sống và ý nghĩa của nó. Kể chuyện đến với chúng ta thật tự nhiên đến nỗi chúng ta không đủ suy tư về ý nghĩa của nó đối với đời sống chúng ta. Trong những năm qua, các nhà chuyên môn đã tái khám phá ý nghĩa vai trò của kể chuyện trong những công trình chuyên biệt. Thần học và linh đạo đã lợi dụng phương cách “chuyển qua chuyện kể” này [4]. Việc truyền giáo cũng có thể được thêm phong phú bằng hình thức tương tự. Chúng ta hãy dành một ít thời gian để suy nghĩ về câu chuyện và sự kể chuyện. Bài trình bày của tôi không nhằm bao quát hết. Nội dung sẽ chỉ dựa trên một số khía cạnh giúp suy tư và thảo luận thêm, những khía cạnh có thể giúp hiểu rõ việc truyền giáo như là việc kể chuyện Chúa Giêsu.

 

1. Những câu chuyện hay dựa trên kinh nghiệm. Có những câu chuyện hay và những câu chuyện dở. Nhưng sự khác biệt không luôn luôn tuỳ thuộc vào phong cách của người kể chuyện hoặc vào phần kết thúc câu chuyện. Rốt cuộc chúng ta muốn nghe một câu chuyện đáng tin, một câu chuyện khả tín vì nó là thực. Nền tảng mạnh mẽ nhất của sự thật là kinh nghiệm trực tiếp của người thuật chuyện. Trong khi những trình thuật viên kể lại kinh nhiệm của ai đó có thể là những người đáng tin, thì chẳng gì có thể sánh được với câu chuyện của một người thật sự ở đó khi sự kiện xảy ra, bởi vì biến cố đó là một phần của con người ấy. Chúng ta kể những câu chuyện hay nhất nếu chúng nói về chính kinh nghiệm của chúng ta. Những câu chuyện hay nhất là những câu chuyện kể về chính mình.

 

2. Những câu chuyện tỏ lộ cá tính mỗi người, mỗi dân tộc và các biến cố hình thành cá tính ấy. Các câu chuyện biểu tỏ con người chúng ta, dòng sống cùng sự cảm nhận cuộc sống cũng như đường hướng chúng ta đang đi. Câu chuyện của tôi là bản tự thuật đời tôi, là cá tính nằm trong một lược đồ đan xen biết bao sự vật. [5] Khi tôi kể các câu chuyện ngắn thì câu chuyện nguồn gốc cuộc đời tôi không chỉ hé lộ cho người nghe, nhưng trước tiên là cho tôi, người thuật chuyện. Tôi ý thức về chính tôi. Nhưng một cách tuần tự tôi hiểu rằng câu chuyện không chỉ là về tôi. Nó cũng luôn hướng về người khác, về gia đình và bạn bè của tôi, về xã hội, văn hoá, nền kinh tế, hoặc tất cả những gì mà chúng ta gọi chung là “thời thế”. Câu chuyện tôi kể không diễn tiến trong một khoảng không. Tôi là tôi vì tôi được đầm mình trong những câu chuyện của những người khác cũng như những câu chuyện của thời đại tôi. Nếu tôi thờ ơ hoặc bác bỏ những câu chuyện đó, tôi sẽ không có câu chuyện riêng để kể. Khi kể câu chuyện của tôi, tôi ý thức về thế giới tôi đang sống trong đó.

 

3. Những câu chuyện luôn năng động, nó mở ra sự diễn giải lại và kể lại, nó mang tính biến đổi. Cá tính được hình thành bởi sự tương tác với thế giới đã đi vào kí ức. Khơi gợi kí ức là tích cực nếu chúng ta muốn thăng tiến về sự minh triết. Nhưng chúng ta tưởng nhớ bằng cách kể các câu chuyện. [6] Kí ức được tạo lập do bởi các câu chuyện hơn bởi các mốc niên sử và những câu chuyện đưa kinh nghiệm trở lại tâm trí. [7] Khi hồi tưởng chúng ta nhận ra rằng quá khứ không hoàn toàn tĩnh. Nó luôn nhào nắn chúng ta. Quá khứ cũng có thể được nhận ra trong nguồn ánh sáng mới từ lăng kính của những kinh nghiệm mới. Quả thật chúng ta kể cùng một câu chuyện bằng những cách thức khác nhau. Những câu chuyện hé lộ những gì làm nên chúng ta bây giờ và phân biệt chúng ta với những gì trước đó, rồi mở ra những khả năng cho tương lai. Qua chuyện kể chúng ta tiếp xúc với động năng của sự biến đổi cá tính: chúng ta đã thay đổi nhiều như thế nào và chúng ta còn phải thay đổi bao nhiêu nữa.

 

4. Các câu chuyện làm nền tảng để hiểu rõ các biểu tượng thiêng liêng, tín lí và đạo đức. Chuyện kể biểu tỏ cá tính bằng cách làm trồi hiện lên các giá trị, các quy tắc luân lí và những gì một người coi là ưu tiên. Đời sống thiêng liêng của một người hiện ra trong câu chuyện của họ. Những biểu tượng đạo đức, thiêng liêng và tín lí thiết thân với một người xuất phát từ những câu chuyện về đời sống của người ấy. Những biểu tượng sống động sâu xa ấy chỉ có thể hiểu được khi câu chuyện được kể và được nghe.[8] Chuyện kể là thiết yếu cho việc tạo ra ý nghĩa của những biểu tượng đức tin và luân lí nơi một người.

 

5. Chuyện kể hình thành cộng đoàn. Những gì chúng ta đã trình bày trên đây về câu chuyện và tính cách của một người cũng đúng cho căn tính của một cộng đoàn. Kinh nghiệm chung và những kí ức nối kết các cá nhân đơn độc lại thành một khối chặt chẽ. Những chuyện kể riêng biệt của một cộng đoàn trở nên cốt lõi các giá trị, đời sống đạo đức và thiêng liêng của cộng đoàn ấy.[9] Niềm tin riêng, các nghi lễ, việc cử hành, tập tục và cách sống của một cộng đoàn chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta nếu chúng ta trở về với các câu chuyện mà những thành viên trong cộng đoàn ấy cùng chung lưu giữ và yêu mến.

 

6. Chuyện kể khi được đón nhận có thể biến đổi người lắng nghe. Những kinh nghiệm vàng son được nhắc đến và được kể lại trong các câu chuyện.[10] Khi chúng ta trải qua một chuyện buồn vui đáng nhớ, chúng ta không thể chờ đợi mới kể ra cho một ai đó. Động lực này nhắc bảo chúng ta rằng câu chuyện cần một người để nghe, cần một người để chia sẻ. Câu chuyện của một người có thể đánh thức hoài niệm về những kinh nghiệm tương tự nơi người nghe, mở ra những ý nghĩa mới, tạo ra sự kinh ngạc và lay động khỏi sự ngủ mê. Sự giao ứng và đáp trả từ phía người nghe bắt đầu khi người kể kết thúc câu chuyện.[11] Câu chuyện của người kể đan kết với câu chuyện của người nghe làm nảy sinh ra những câu chuyện mới. Thông thường một người biết lắng nghe cũng sẽ trở thành một người kể chuyện hay. Một người đã có kinh nghiệm kết nối câu chuyện của người khác vào chuyện của mình khi nghe chắc chắn cũng biết sẻ chia câu chuyện của mình để kết dệt vào câu chuyện của người khác.

 

7. Các câu chuyện có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau. Một câu chuyện được kể nhiều cách, dẫu xét đúng nghĩa thì có thể không phải là kể chuyện. Kể bằng miệng vẫn còn là phổ biến nhất. Nhưng chuyện còn được kể qua chữ viết, tiểu thuyết hoặc thi ca. Phim, ảnh là những phương thức kĩ thuật cao để kể chuyện. Cử chỉ, điệu bộ của một người, thói quen ứng xử, giọng nói, cách nhăn mặt và những tư thế của thân xác được hiện thực như một nhân vật trong một câu chuyện. Sự im lặng của một người có thể là cách thế kể chuyện hữu hiệu. Bằng sự quảng diễn, thái độ của một người, cách sống và tương quan của người ấy có thể tham gia vào sự kể chuyện và tạo ra những câu chuyện mới. Vũ điệu, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực của một cộng đồng là những yếu tố then chốt dệt nên những câu chuyện. Chuyện kể được cấu kết hết sức phong phú đến nỗi chúng mở ra nhiều cách thức dùng để kể.

 

8. Chuyện kể có thể bị dấu kín. Dù rằng kể chuyện đến với chúng ta thật tự nhiên, nhưng một vài yếu tố có thể ém việc kể chuyện đi. Đau khổ do bởi kí ức bị thương tổn, xấu hổ hoặc tội lỗi có thể ngăn cản nạn nhân ấy kể hết câu chuyện của họ. Để giữ lại một chút danh giá sau những kinh nghiệm đau buồn, một nạn nhân có thể không cho rằng câu chuyện ấy là một phần cá tính và kí ức của họ. Các nhà độc tài cấm kể những chuyện thối nát, đàn áp, giết chóc và phá hoại nếu không, chế độ của họ bị lung lay. Họ áp đặt một lịch sử chính thức của đất nước nhằm xoá bỏ kí ức đăt họ vào vùng tối xấu xa tệ mạt. Môt số câu chuyện quá nguy hiểm đến nỗi không được kể, bởi vì những người lắng nghe có thể nghe theo tiếng gọi biến đổi. Những trận chiến ác liệt nhất đang diễn ra hằng ngày là về các câu chuyện. Nhưng sự chữa trị là khả thi. Khi các nạn nhân ấy được cho phép kể các câu chuyện đời họ với những người bạn đầy lòng trắc ẩn, những nhà tư vấn, những chuyên gia biết tỏ lòng cảm thương và cảm thông thì lòng tự trọng của họ dần dần được phục hồi. Ở đâu mà các cộng đồng đòi hỏi những câu chuyện thật về họ, ở đó họ cũng đòi quyền thay đổi xã hội.

 

Chúng ta vừa dành thời giờ tìm hiểu ý nghĩa các câu chuyện và việc kể chuyện để khám phá các khả năng của chuyện kể trong việc nắm hiểu và thực hành truyền giáo.

 

 Truyền Giáo như là Việc Kể Chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á

 

 Trước tiên chúng ta cùng khẳng định với Ad Gentes của Công Đồng Vatican II rằng Giáo Hội lữ hành tự bản chất là truyền giáo bởi vì Giáo Hội bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, hợp nhất trong ý muốn cứu chuộc của Chúa Cha (AG 2). Để những gì Chúa Giêsu đã hoàn tất trong việc cứu chuộc con người đạt được hiệu quả đúng thời đúng buổi, Người đã sai Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha để thực hiện công trình cứu chuộc của Người giữa lòng Giáo Hội (AG 3- 4). Bởi vậy thật là thích hợp để gọi Chúa Thánh Thần là nguyên lí nền tảng của Truyền Giáo, như Đức Gioan Phaolô II đã làm (x. RM, chương III). Chính Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ truyền giáo được trao phó cho mình (EAs 43).

 

Từ cái nhìn này, sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và của Chúa Thánh Thần có thể được coi như chính câu chuyện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là “vị kể chuyện”.[12] Chúa Thánh Thần sẽ kể chuyện Chúa Giêsu cho Giáo Hội. Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”(Ga 14, 26). Ba ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa còn được Chúa Giêsu mô tả như là “kể chuyện” cho nhau. “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”(Ga 16, 13- 15). Việc truyền giáo của Giáo Hội là kết quả của Câu Chuyện mà Chúa Thánh Thần loan báo cho Giáo Hội từ Chúa Giêsu và Chúa Cha. Cội nguồn công cuộc truyền giáo của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Đấng Kể Chuyện Siêu Phàm, Đấng mà Giáo Hội phải lắng nghe để có thể chia sẻ những gì mình đã nghe được. Giáo Hội là Người của Thiên Chúa kể chuyện về Chúa Giêsu Kitô như Giáo Hội đã nghe từ Chúa Thánh Thần.

 

Giáo Hội phải kể câu chuyện Chúa Giêsu thì không có gì phải nói. Vấn đề cốt yếu đối với Châu Á là chia sẻ câu chuyện ấy thế nào, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra một cách chính xác (EAs 19). Khía cạnh “thế nào” của công cuộc truyền giáo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thần học Á Châu, như Michael Amaladoss, S.J.[13] Chúng tôi đưa ra một số suy tư về cách hiểu câu chuyện để mời gọi chúng ta hãy nhìn vào truyền giáo như kể câu chuyện Chúa Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

1. Giáo Hội kể chuyện Chúa Giêsu từ kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu. Kể chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á sẽ tạo được hiệu quả nếu nó xuất phát từ chính kinh nghiệm của người kể chuyện. Lời nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông Điệp Evangelii Nuntiandi [14] rằng con người ngày nay tin vào các chứng nhân hơn là tin vào các thầy dạy thật rất chính xác, nhưng còn đúng hơn đối với Châu Á, nơi mà các nền văn hoá đăt nặng tính xác thực được kiểm nghiệm về các chứng nhân. Các môn đồ đầu tiên, những người Châu Á, nói bằng chính kinh nghiệm của mình. Họ nói những gì họ đã nghe, họ tận mục sử thị, họ nhìn thấy được và sờ được bằng tay những gì liên quan đến Ngôi Lời Sự Sống (1 Ga 1, 1- 4). Không thể có con đường nào khác cho Giáo Hội hiện nay tại Châu Á. Nếu không có kinh nghiệm sâu xa về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc, làm sao tôi có thể kể câu chuyện của Người một cách xác tín như một phần câu chuyện của riêng tôi? Kinh nghiệm của thánh Phaolô nêu lên điểm căn cốt của việc truyền giáo khi ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân tong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Kể chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á đòi hỏi Giáo Hội phải gặp gỡ Chúa Giêsu một cách sống động trong sự cầu nguyện, trong việc thờ phượng, trong việc đón tiếp mọi người, nhất là những người nghèo khổ, và nhận ra “dấu chỉ thời đại” qua các biến cố thường ngày.

 

2. Câu chuyện Chúa Giêsu biểu tỏ căn tính của Giáo Hội nơi những người nghèo khổ, trong các nền văn hoá và tôn giáo tại Châu Á. Như một câu chuyện hé lộ cá tính một người thì câu chuyện niềm tin vào Chúa Giêsu cũng tỏ rõ căn tính của người kể với tư cách một người tin. Một chứng nhân kể câu chuyện của mình về việc gặp Chúa Giêsu thì không thể che dấu căn tính của mình là môn đệ của Đấng Cứu Chuộc. Giống như một mạng lưới của các tương quan với dân chúng, với nền văn hoá và các trào lưu xã hội hình thành nên một câu chuyện riêng tư hoặc căn tính, thì việc kể chuyện Kitô giáo tại Châu Á được thực hiện trong tương quan với những người khác. Căn tính Kitô và câu chuyện tại Châu Á luôn hiện hữu với, chứ không tách khỏi những người thuộc các nền văn hoá và tôn giáo khác. Câu chuyện Chúa Giêsu được kể bởi những Kitô hữu Á Châu, là những người hiện diện với và giữa người nghèo, giữa các nền văn hoá và các tôn giáo đa dạng của Châu Á, họ xác định một phần căn tính và các câu chuyện của họ như những người Châu Á. Thực tại của Châu Á đã thôi thúc Jonathan Yun-Ka Tan nhận định rằng truyền giáo cho các dân tộc- missio ad gentes-  ngày hôm nay phải được hiểu theo một mẫu thức mới là truyền giáo giữa các dân tộc- missio inter gentes. [15] Nhưng tôi cho rằng missio ad gentes không thể bị loại bỏ mà đúng hơn được thực hiện inter gentes. Không thể có việc truyền giáo thật sự hướng về các dân tộc mà lại không đồng thời được thực hiện giữa các dân tộc. Truyền giáo giữa các dân tộc khích lệ truyền giáo hướng về các dân tộc. Đồng hành và hiện diện giữa người nghèo, giữa các nền văn hoá và các tôn giáo, những Kitô hữu Á Châu là người Châu Á. Với người nghèo và cho người nghèo, cho các nền văn hoá và các tôn giáo, các Kitô hữu Á Châu là các Kitô hữu. Tôi tin rằng sự nhào trộn các câu chuyện này có thể làm phong phú cho rất nhiều suy tư của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) về truyền giáo như là đối thoại với người nghèo, với các nền văn hoá và với các tôn giáo tại Châu Á. [16]

 

3. Giáo Hội lưu kí hồi ức về Chúa Giêsu một cách sống động. Hiện diện giữa và cho những người Châu Á khác, Giáo Hội kể chuyện Chúa Giêsu theo cách là tưởng nhớ Chúa Giêsu đang sống. Tưởng niệm Chúa Giêsu không có nghĩa là khoá kín hoài niệm ấy trong một cách thế hiện hữu bất khả xâm phạm. Kí ức sống lại khi được tái phục hồi và được chia sẻ. Tin cậy nơi Chúa Thánh Thần và trung thành với kí ức được bảo lưu trong Truyền Thống của Giáo Hội Hoàn Vũ, Giáo Hội tại Châu Á phải lấy can đảm mà tái khám phá những phương thế mới để kể chuyện Chúa Giêsu, tìm lại sự sống hoạt của nó và mở ra những năng lực để canh tân các thực tại Á Châu.

 

Câu chuyện Chúa Giêsu, nếu chỉ được cất giữ như một thiên truyện trong viện bảo tàng thì không đem lại sức sống. Trong Ecclesia in Asia (EAs 19- 20, 22), Đức Gioan Phaolô II đặt ra thách thức cho việc tìm kiếm một khoa sư phạm để có thể làm cho câu chuyện Chúa Giêsu gần gũi hơn với cảm thức của người Châu Á, nhất là đối với những nhà thần học. Ngài muốn rằng cùng một câu chuyện có thể được kể trong nhãn quan mới và trong ánh sáng của những hoàn cảnh mới.

 

4. Câu chuyện Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa cho các tín điều đức tin của Giáo Hội. Tôi cho rằng các câu chuyện chứa đựng ý nghĩa về đời sống thiêng liêng, về đạo lí và những xác tín mà một người hằng ấp ủ. Điều có thể xảy ra là Giáo Hội có thể tự đồng hoá quá chặt chẽ với một số tín điều “chuẩn mực” hoặc kiểu mẫu về tín lí, luân lí và phụng tự đến nỗi câu chuyện tạo nên sức bật cho chúng lại bị bỏ qua. Khi đó chính các tín điều lại đánh mất năng lực tiếp cận quần chúng. Các tín điều đức tin phải được cắm rễ trở lại câu chuyện nền tảng về Chúa Giêsu. Chẳng hạn việc bẻ bánh trong Bí Tích Thánh Thể phải được nhìn qua nhiều câu chuyện về sự chia sẻ, sự chăm sóc và sự hiệp thông, mà nếu không có nó nghi lễ sẽ bị tước mất hết ý nghĩa. Chiếc nhẫn của giám mục phải phát xuất từ một câu chuyện sống động về sự phục vụ cộng đồng, nếu không, chiếc nhẫn chỉ được coi như một vật trang sức. Vai trò biểu tượng của linh mục như sự hiện diện của Chúa Giêsu phải phát xuất phát từ câu chuyện sống động về sự sẵn sàng phục vụ dân chúng, nếu không, chức linh mục sẽ trở nên như một địa vị xã hội hơn là một ơn gọi. Các tín điều trong đạo phải có thể được vạch nối đến câu chuyện nền tảng về Chúa Giêsu. Việc trở về với câu chuyện Chúa Giêsu hẳn sẽ tạo cho Giáo Hội tại Châu Á chỉnh sửa những cảm tưởng về sự ngoại lai gắn liền với giáo thuyết, nghi lễ và tín điều của Giáo Hội (EAs 20). Tách biệt khỏi câu chuyện nguồn cội về Chúa Giêsu, các tín điều của Giáo Hội có thể kể một câu chuyện xa lạ với chính Chúa Giêsu.

 

5. Câu Chuyện Chúa Giêsu tạo sinh Giáo Hội. Các câu chuyện cũng hình thành một cộng đồng, như chúng ta đã tìm hiểu. Trong kinh nghiệm và kí ức chung, các cộng đồng tìm được sự gắn kết và giá trị chung. Kí ức chung về câu chuyện Chúa Giêsu do Chúa Thánh Thần khởi sinh phải là nguồn mạch căn bản cho sự hiệp nhất và sự đồng nhất đức tin của Giáo Hội tại Châu Á. Sách Thánh, các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, các tín điều, nghi lễ và Thánh Truyền là những phương thức để liên tục kể câu chuyện Chúa Giêsu hầu tưởng niệm về Người như cốt lõi của cộng đồng Kitô. Nhưng cảm thức này của cộng đồng không thể miễn thứ cho việc tách Giáo Hội ra để cộng đồng duy trì căn tính của riêng mình. Câu chuyện Chúa Giêsu làm thành cộng đồng Kitô hữu cũng chính là câu chuyện mà toàn thể cộng đồng phải chia sẻ. Theo khuôn mẫu của phép kể chuyện, Giáo Hội sẽ đánh mất căn tính của mình nếu Giáo Hội không kể câu chuyện là chính căn tính của mình. Chúa nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Mc 8, 35- 36) FABC xác tín rằng toàn thể Giáo Hội được kêu gọi để truyền giáo.[17] Các Giáo Hội địa phương cần biện phân và phát huy nhiều ơn ban do Chúa Thánh Thần khơi dậy để các Giáo Hội có thể đóng góp vào việc kể chuyện Chúa Giêsu. Toàn thể Giáo Hội, hoa trái của câu chuyện Chúa Giêsu sẽ trở thành người kể chuyện của Giáo Hội.

 

6. Giáo Hội đang lắng nghe cũng kể Câu Chuyện Chúa Giêsu. Các câu chuyện tìm được sự toàn vẹn của nó nơi người nghe. Nhưng những câu chuyện bị áp đặt thì không được lắng nghe. Giáo Hội tại Châu Á phải xác tín sự sống động của câu chuyện mình đưa ra, không mang theo một ý đồ áp đặt người khác. Đức Gioan Phaolô II nói với chúng ta trong Ecclesia in Asia rằng chúng ta chia sẻ hồng ân của Chúa Giêsu không phải để cải đạo mà vì vâng lời Chúa và như một hành vi phục vụ các dân tộc tại Châu Á. Hãy để cho câu chuyện lên tiếng và tiếp xúc. Hãy để cho Chúa Thánh Thần mở rộng tâm trí người nghe và mời gọi họ biến đổi. Số đông các dân nghèo tại Châu Á có thể tìm được lòng trắc ẩn và niềm hi vọng trong câu chuyện Chúa Giêsu. Các nền văn hoá Á Châu sẽ náo động cất vang lời thách đố đòi hỏi tự do đích thực cho họ trong câu chuyện Chúa Giêsu. Các tôn giáo đa dạng tại Châu Á sẽ trầm trồ cảm phục và tán dương những người đang tìm kiếm Thiên Chúa cùng sự thánh thiện đích thực trong câu chuyện Chúa Giêsu. Giáo Hội tại Châu Á được mời gọi để khiêm tốn mở đường cho Chúa Thánh Thần chạm vào những người lắng nghe. Là một người kể chuyện của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Châu Á phải đi vào thế giới và ngôn ngữ của những người lắng nghe từ nội tâm họ để kể câu chuyện Chúa Giêsu đúng hệt như vào ngày lễ Ngũ Tuần.[18] Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Giáo Hội tại Châu Á phải là một người biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và những người nghèo, các nền văn hoá và các tôn giáo nếu Giáo Hội muốn nói cho thật có ý nghĩa. Một Giáo Hội kể chuyện phải là một Giáo Hội biết lắng nghe. [19]

 

7. Giáo Hội kể Câu Chuyện Chúa Giêsu theo những đường lối đa dạng. Các câu chuyện có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau. Câu chuyện Chúa Giêsu cũng vậy. Giáo Hội tại Châu Á, với gia sản phong phú là kể chuyện, thủ đắc được từ các gia đình, làng xóm Á Châu, từ các tôn giáo và sự minh triết truyền thống, có thể rất sáng tạo trong việc kể chuyện Chúa Giêsu. Chứng tá cho một đời sống thánh thiện, đạo đức, chính trực vẫn còn là câu chuyện hấp dẫn nhất về Chúa Giêsu tại Châu Á. [20] Đời sống thánh thiện của những người nam nữ, của các vị tử đạo chứng minh câu chuyện Chúa Giêsu được khắc hoạ vào các cá nhân và các cộng đồng như thế nào.[21] Những người nam nữ đã hiến thân phục vụ đồng loại, như Chân phúc Têrêxa Calcutta, là những câu chuyện sống động mà các dân tộc Á Châu thích nghe. Bảo vệ người nghèo, hành động đòi công lí, thăng tiến đời sống, chăm sóc bệnh nhân, giáo dục thiếu nhi và giới trẻ, xây dựng hoà bình, giảm miễn các khoản nợ nước ngoài và bảo trợ các công trình sáng chế là những cách thức kể lại câu chuyện Chúa Giêsu hôm nay tại Châu Á. [22] Nhưng Giáo Hội cũng còn phải sẵn sàng đón nhận những phương thức bất ngờ của Chúa Thánh Thần để kể lại câu chuyện Chúa Giêsu.

 

8. Giáo Hội là tiếng nói của các câu chuyện bị chèn ép. Thật là tai tiếng khi mà việc hà hiếp áp bức các câu chuyện vẫn xảy ra hằng ngày tại nhiều miền tại Châu Á. Những người nghèo, các trẻ em gái, các phụ nữ, những người tị nạn, những di dân, những người dân bản địa, những nạn nhân của các hình thức bạo lực gia đình, chính trị và sắc tộc cùng các thảm hoạ môi trường chỉ là một số ít những câu chuyện bị đàn áp nêu trên. Nhiều người sợ những câu chuyện họ sẽ kể. Hay là họ sợ nghe sự thật và các đòi hỏi? Giáo Hội kể câu chuyện Chúa Giêsu mà những lời lẽ thường rơi vào những lỗ tai điếc đặc, do đó Người đã bị xử tử để Người không còn có thể kể câu chuyện của Người nữa. Do đó tại Châu Á, Giáo Hội mang một trọng trách đối với Người là phải tự tạo cho mình trở nên người kể chuyện không bằng tiếng nói, để tiếng nói của Chúa Giêsu có thể được lắng nghe trong những câu chuyện bị đàn áp.

 

 Kết luận

 

 Truyền giáo như là kể câu chuyện Chúa Giêsu đã và đang diễn ra tại Châu Á. Chúng ta tôn vinh nhiều người kể chuyện của Chúa Thánh Thần mà những câu chuyện họ kể, dù bị giấu kín, đã tạo sinh nhiều câu chuyện mới trong đời sống nhiều anh chị em tại Châu Á.

 

Tôi xin kết thúc bằng việc hướng nhìn về Chúa Giêsu, là Logos hoặc Câu Chuyện Thiên Chúa và là vị Thầy kể chuyện Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Người. Chúng ta hãy lắng nghe Người. Chúng ta hãy học cùng Người. Chúng ta hãy mở rộng lòng đón nhận câu chuyện Người kể và cách Người kể chuyện. Câu chuyện của Người là nói về Abba (Chúa Cha) mà Người đã cảm nghiệm và về sự sống viên mãn mà Abba ban tặng. Tuy nhiên, bình sinh Người đã sống như một người Do Thái, một người dân Á Châu bình thường, với gia đình, bè bạn, Người giao tiếp với các người phụ nữ, các trẻ em, những ngoại kiều, những thủ lãnh đền thờ, những thầy thông luật, những người nghèo, những người đau ốm, những người bị bỏ rơi, những người tội lỗi và những địch thủ. Tất cả họ là một phần trong con Người của ngài. Người quy tụ một cộng đồng, một gia đình mới gồm những người lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa. Người đã kể cho họ nghe những câu chuyện về Abba và sự sống trong Abba. Người sử dụng ngôn ngữ của họ. Các dụ ngôn của Người thật giản dị nhưng có sức hoá giải. Người kể cho họ về Abba qua các bữa ăn, qua những dịp chữa bệnh, qua lòng trắc ẩn, qua lòng thương xót, qua sự tha thứ, và qua sự phê phán thói đạo đức giả. Câu chuyện của Người dẫn Người đến một bữa ăn, tại đó Người đã trở thành của ăn và Người đã rửa chân cho các bạn hữu của Người. Không điều gì có thể cắt cụt câu chuyện Ngươi kể, cho dẫu là thập giá. Cái chết ô nhục của Người hẳn phải là hậu kết câu chuyện của Người. Nhưng Abba vẫn còn điều phải nói, “Con Ta- Người Con đó đã sống lại thật.” Khi đổ tràn ân sủng Chúa Thánh Thần vào tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu kí thác câu chuyện của Người cho chúng ta. Tôi nghe Người đang nói: “Hãy lắng nghe câu chuyện của tôi. Hãy đi và kể lại câu chuyện của tôi tại nơi nó đã khởi đầu, hỡi Châu Á yêu dấu của tôi! ”

 

Ghi chú :

 

 1 Công Đồng Vatican II, Ad Gentes, 6.

2 x. Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 41.

3 x. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, 10.

4 Một mẫu điển hình là Michael L. Cook, S.J., Christology as Narrative Quest (Collegeville, MN: 1997).

5 x.  Richard Woods, O.P., "Good News: The Story Teller as Evangelist", New Blackfriars 81 (2000): 206.

6 Ibid ., p. 205.

7 x. Richard Bayuk,C.P.P.S., "Preaching and the Imagination," Bible Today , 38 (2000): 289, 292.

8 x. Cook, p. 31.

9 x. Jose Mario C. Francisco, S.J., "The Mediating Role of Narrative in Inter Religious Dialogue: Implications and Illustrations from the Philippine Context," East Asian Pastoral Review, 41 (2004):164.

10 x. Bayuk, p. 289.

11 Ibid ., p. 290.

12 Cook, p. 39.

13 Xin xem thêm các công trình của Michael Amaladoss, S.J., "Images of Jesus in India," East Asian Pastoral Review 31 (1994): 6-20 and "'Who Do You Say that I Am?' Speaking of Jesus in India Today," East Asian Pastoral Review , 34 (1997): 211-224.

14 Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 41.

15 Jonathan Yun-Ka Tan, Missio Inter Gentes: Towards a New Paradigm in the Mission Theology of the FABC , FABC Papers No. 109.

16 Tài liệu căn bản FABC I (1974), "Evangelization in Modern Day Asia", especially # 12, 14, 20, G. Rosales and C.G. Arevalo, editors, For All the Peoples of Asia , Volume I (Quezon City:Claretian Publications, 1997), pp. 11-25. Nhiều phiên họp toàn thể và các nghiên cứu của các học viện của FABC khai sáng thêm cho cái nhìn căn bản của FABC I trong những hoàn cảnh đang biến chuyển.

17 x.  BIMA III (Third Bishops' Institute for Missionary Apostolate, 1982), #5, Ibid . p. 104.

18 x. BIRA IV/12, (Twelfth Bishops' Institute for Interreligious Affairs on the Theology of Dialogue, 1991) # 42-47, Ibid ., p. 332.

19 x. BIRA I (First Bishops' Institute for Interreligious Affairs, 1979), # 11-14, Ibid ., p. 111.

20 x. BIMA III (Third Bishops' Institute for Missionary Apostolate, 1982) # 10, Ibid ., p. 105.

21 x. Francisco, p. 167.

22 x. EAs # 33-41.

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung dịch trong Sedos.org

 

 

CẦU NGUYỆN

 

I.- CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?

Thật khó mà đưa ra một định nghĩa đầy đủ và hoàn hảo về việc cầu nguyện, vả lại có nhiều người cho là không cần thiết, bởi lẽ có nhiều người Kitô hữu đã từng cầu nguyện mà không hiểu mình đã nói gì hay làm gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết Giáo Hội dạy thế nào, và các Thánh Nhân đã áp dụng phương thức cầu nguyện nào, mà đức tin của các ngài lại thiện hảo đến thế?

Sau đây xin nêu lên một số ý tưởng: có thể là khái niệm, có thể là định nghĩa, có thể là châm ngôn sống, hay có thể là một hướng dẫn, hầu chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc cầu nguyện mà lựa chọn cho mình một cách thức phù hợp cho đời sống cầu nguyện của mình:

-Thánh Gioan Damascênô dạy: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa”.

-Thánh Augustinô viết: “Cầu nguyện là linh hồn chuyện vãn với Chúa”.

-Thánh Têrêsa thành Avila ghi nhận: “Cầu nguyện là cuộc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, trong đó linh hồn được đối thoại song phương với Người”.

-Cha Charles de Foucauld đã viết: “Cầu nguyện là suy nghĩ về Đức Kitô và đồng thời yêu mến Ngài”.

Qua những lời chỉ dạy trên, chúng ta có thể tổng kết: “Cầu nguyện là một sự gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, nhờ vậy cầu nguyện đòi phải có sự hiện diện, ý thức và tình yêu. Cầu nguyện là diện đối diện hay đúng hơn là lòng kề lòng bên Chúa, Đấng luôn luôn hiện diện và niềm nở đón tiếp ta. Người sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào và với bất cứ ai muốn” (M.B Martelet).

Còn theo truyền thống của phụng vụ, thì cầu nguyện là việc làm cụ thể: và là dấu chỉ của người Kitô hữu giao tiếp với Thiên Chúa bằng tâm hồn. Hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta giải bày tâm tình của chúng ta, như một người con tâm sự và chia sẻ với Cha mình, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn…Qua cầu nguyện, người Kitô hữu kết nối một mối dây giao tiếp thân tình với Thiên Chúa. Nhờ sự giao tiếp này, chúng ta nhận được sự sống và sức mạnh thần linh của Người. Để được sống thân thiết với Thiên Chúa mỗi ngày một hơn. Đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

II.- TẦM QUAN TRỌNG VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

1. Cầu nguyện là lệnh truyền của Chúa:

Giáo lý Đức Tin dạy rằng: Ơn Chúa ban cho con người thông thường nhờ hai con đường: con đường lãnh nhận các Bí tích và con đường cầu nguyện. Không có Ơn Chúa, không thể được Ơn Cứu Độ, lại càng không thể đạt tới Đích Thánh Thiện được, như lời Chúa dạy: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Dù chỉ nghĩ tưởng một điều thiện hảo, chúng ta cũng hoàn toàn bất lực” (2Cr 3,5).

Trong Thánh Kinh nhiều nơi Chúa truyền phải cầu nguyện:

- “Con hãy đến, Cha sẽ cứu con; con hãy kêu cầu, Cha sẽ nhận lời con” (Gr 3,3).

- “Con hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41).

- “Con hãy xin, thì sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở cho” (Mt 7,7; Lc 11,10).

- “Các con hãy cầu nguyện luôn, không được nản chí, không được nhàm chán” (Lc 18,1; 21,36).

- Thánh Phaolô cũng truyền dạy: “Anh chị em hãy cầu nguyện luôn không ngừng” (1Tx 5,17).

Thánh Thômas và các thần học gia quả quyết: “Cầu nguyện là lệnh Chúa truyền, không phải là lời khuyên, nên ai không tuân giữ thì mắc tội trọng, nhất là trong ba trường hợp: Đang trong tình trạng tội lỗi, lúc nguy tử, khi gặp nguy hiểm có thể phạm tội trọng lỗi luật Chúa”. Các ngài còn thêm: “Ai bỏ cầu nguyện một tháng, tối đa là ba tháng thì mắc tội trọng; vì chỉ có lời cầu nguyện là phương thế nhận được các ơn cần thiết để lo phần rỗi và sự thánh thiện”.

Do đó, cầu nguyện vừa là lệnh truyền của Chúa, vừa là khát vọng chính đáng của con người. Lúc gặp nguy hiểm, lời cầu nguyện càng trở nên khẩn thiết hơn: “Hãy cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41; Lc 22,46). Vì thân phận con người cần có ơn Chúa trợ giúp mới có thể đạt được Ơn Cứu Độ và tới đích thánh thiện.

2. Con người cần Ơn Chúa trợ giúp:

Người ta có thể sánh ví sự cầu nguyện cần thiết cũng như nước đối với cá, hay cũng như hơi thở đối với con người.

Căn cứ vào lệnh truyền của Chúa Kitô: “Phải cầu nguyện luôn không bao giờ ngừng” (Lc 18,1). “Phải tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,4). Thánh Phaolô cũng dạy: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4,2). “Anh em đừng ngớt cầu nguyện” (1Tx 5,17).

Thánh tiến sĩ Augustinô: “Chúa muốn và ao ước ban phát ơn lành cho ta nhưng chỉ ban cho ai cầu xin”.

Thánh Gioan Kim Khẩu: “Không có linh hồn, thân xác không thể sống. Không có cầu nguyện thì linh hồn sẽ chết”.

Thánh Tôma tiến sĩ: “Không cần ta cầu nguyện Thiên Chúa mới biết ta thiếu thốn, song chẳng qua là để giúp chính ta nhận thức ta cần chạy đến cùng Người hầu nhận lãnh những ơn trợ giúp hữu ích cho phần rỗi và do đó ta nhận thấy chỉ có Người là nguồn mạch mọi sự lành”.

Thánh Anphongsô: “Ai cầu nguyện sẽ được ơn cứu rỗi, còn ai không cầu nguyện sẽ phải hư mất đời đời”.

Vậy là quá rõ, con người là thân phận yếu đuối bất lực, nhiều đam mê, tội lỗi, lắm kẻ thù, nhiều cạm bẫy, không thể tự mình đạt tới Ơn Cứu Độ và tới đích thánh thiện nếu không có Ơn Chúa trợ giúp. Vì thế Thánh Anphongsô đã tha thiết nhắn nhủ: “Tôi vẫn nhắc và sẽ nhắc đi nhắc lại cả đời tôi rằng: Phần Rỗi chúng ta hệ tại lời cầu nguyện; phải, chúng ta hãy cầu nguyện, đừng nhàm chán bao giờ, vì nhờ cầu nguyện, chắc chắn chúng ta sẽ được cứu rỗi, không cầu nguyện sẽ phải hư đi; vì cầu nguyện mà nay các Thánh đang được hưởng Hạnh Phúc trên Thiên Đàng; vì bỏ cầu nguyện mà nay tội nhân đang bị trầm đọa trong hoả ngục”.

3. Cầu nguyện là phương thế giúp nên Thánh:

Cầu nguyện còn là phương thế thần diệu giúp chúng ta nên Thánh và bền vững trong Đường Thánh Thiện; giải thoát chúng ta khỏi vương vấn tạo vật, kết hợp chúng ta với Chúa, biến hóa chúng ta mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Trái lại, nếu lơ là cầu nguyện, tinh thần của chúng ta càng ngày càng bê tha nguội lạnh cách đáng sợ, vì theo lời Đức Phaolô VI căn dặn: “Các con chớ quên bằng chứng của lịch sử là: Trung thành cầu nguyện hay phế bỏ việc cầu nguyện là bản trắc nghiệm cho chúng ta thấy, đời sống đạo đức còn linh hoạt hay đã băng hoại mất rồi” (Evangelica Testificatio # 42).

Mẹ Têrêsa Calcutta là người rất có kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện và ngài đã kết luận rằng: “Thành quả của thinh lặng là cầu nguyện. Thành quả của cầu nguyện là đức tin. Thành quả của đức tin là tình yêu. Thành quả của tình yêu là phục vụ. Thành quả của phục vụ là an bình”. Chắc chắn rồi, cầu nguyện còn là phương thế giúp cho tâm hồn được bình an.

III.- BA CÁCH CẦU NGUYỆN CĂN BẢN

- Lời cầu nguyện phát ra từ môi miệng, gọi là  “khẩu nguyện”

- Rung động trong tâm tình, gọi là “tâm nguyện”

- Chứng minh qua đời sống, gọi là “hành nguyện”

1. Khẩu nguyện:

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã có thói quen họp nhau dâng lời ngợi khen, cảm tạ và cầu xin Chúa qua lời kinh, tiếng hát, khi thì cả cộng đồng (còn gọi là công nguyện) lúc thì riêng tư cá nhân (còn gọi là tư nguyện).

Theo giáo huấn của Giáo Hội: “Cầu nguyện lên tiếng là một dữ kiện không thể thiếu trong đời sống Kitô Giáo. Các môn đệ đã chăm chú theo dõi việc cầu nguyện im lặng của Thầy mình, nhưng Ngài dạy họ một kinh để đọc lên: Kinh lạy Cha. Chúa Giêsu đã không chỉ cầu nguyện bằng các lời kinh phụng vụ của hội đường Dothái, và các Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy, Ngài đã cất tiếng cầu nguyện theo phát biểu riêng tư của Ngài, từ lời hân hoan chúc tụng Chúa Cha cho đến lúc gian nan tại vườn cây dầu” (Catechimus # 2701).

ó Công Nguyện: Lời nguyện có tính cách cộng đồng bao giờ cũng có giá trị hơn, đáng Chúa thương nhận hơn, như lời Chúa dạy: “Ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó ngay giữa họ” (Mt 18,20). Cộng đồng tập hợp để cử hành Thánh Lễ, suy tôn Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, cử hành các Nhiệm Tích, Phụng Vụ Giờ Kinh là việc Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội, bao giờ cũng có giá trị đặc biệt tôn thờ Chúa cách xứng đáng hơn hết, vì là việc làm nhân danh Chúa Kitô và đại diện cho toàn thể Giáo Hội.

Theo giáo huấn của Giáo Hội: “Vì là lời cầu nguyện bên ngoài và mang tính con người cách đầy đủ, cho nên sự cầu nguyện lên tiếng là việc cầu nguyện tuyệt hảo nhất của những đoàn người. Những lời cầu nguyện nội tâm nhất cũng không thể bỏ qua việc cầu nguyện lên tiếng: Lời cầu nguyện trở thành nội tâm theo mức chúng ta ý thức “Chúng ta đang thân thưa với Đấng nào”. Như vậy, cầu nguyện lên tiếng là hình thức thứ nhất của việc cầu nguyện” (Catechismus # 2704).

ó Tư Nguyện: Ngoài kinh nguyện công (chung), mỗi người còn cần cầu nguyện tư (riêng) tùy mỗi tâm hồn, hoặc do luật buộc hoặc do tự mình. Chúa Kitô cũng truyền dạy: “Mỗi khi các con cầu nguyện hãy vào phòng, đóng cửa lại mà cầu xin cùng Cha các con trên trời; Ngài thấu tỏ mọi nơi bí ẩn, sẽ ban cho các con những ơn cần thiết” (Mt 6,6).

2. Tâm nguyện:

Tâm nguyện chính là bản chất và là hồn sống của việc cầu nguyện, vì nếu miệng đọc mà trí không suy tưởng, trái tim không rung động hòa nhịp; lời kinh tiếng hát không phát sinh do lòng yêu mến thì lời cầu nguyện đó chỉ như xác vô hồn. Chúa Kitô đã khiển trách người Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng xa cách Ta” (Mt 15,8). Người cũng phán với thiếu phụ Samaria: “Đã đến lúc người ta phải tôn thờ Thiên Chúa bằng Tinh thần và Chân lý” (Ga 4,23). Bằng tinh thần là với lòng yêu mến, bằng chân lý là thú nhận thân phận thụ tạo bất lực của mình, nên khiêm tốn đặt niềm tin tưởng cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp.

Theo giáo huấn của Giáo Hội: “Thiên Chúa tìm kiếm những kẻ tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý, và như vậy Ngài muốn có lời cầu nguyện xuất phát từ chỗ sâu thẳm nhất của con người, với đầy sức sống động. Chúa cũng muốn thân xác chúng ta phụ họa với lời cầu nguyện nội tâm, vì cầu nguyện đầy đủ như thế mang lại cho Thiên Chúa sự kính tôn toàn hảo mà Ngài có quyền đòi hỏi chúa ta” (Catechismus # 2703).

3. Hành nguyện:

Hành nguyện là sống theo tinh thần của việc cầu nguyện, vì nếu việc làm không song hành với lời cầu xin; nếu đời sống không hòa nhịp với lời chúc tụng; nếu các hành động không thấm nhuần với tinh thần Chúa, không phát xuất theo tinh thần yêu mến tràn đầy, thì cũng chưa mang lại cho linh hồn thành quả tốt đẹp nào.

Linh hồn có tinh thần cầu nguyện, luôn kết hợp với Chúa bằng tình con ngoan thảo với Cha nhân từ. Họ luôn lấy việc làm chứng minh lòng yêu mến Chúa; luôn ý hiệp tâm đồng với Chúa, đến nỗi chỉ muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa muốn. Đó là tột đỉnh của việc cầu nguyện.

Cha Charles Foucauld đã viết: “Muốn đời sống thành một lời cầu nguyện, ta phải làm hai điều này: trước hết là mỗi ngày phải có thời gian khá dài dành riêng cho việc cầu nguyện, rồi trong các giờ làm việc khác, ta cứ hiệp nhất với Chúa. Nhớ Ngài hiện diện và năng vươn lên, nhắc lòng, hướng mắt lên Ngài”.

IV.- ĐIỀU KIỆN ĐỂ LỜI CẦU NGUYỆN TRỞ NÊN HỮU HIỆU

Để lời cầu nguyện của chúng ta đáng được Chúa chấp nhận, cần lưu ý mấy yếu tố sau:

1. Đặt ý thức vào từng lời cầu xin:

Cầu nguyện là "Trong mọi trường hợp, ta hãy chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa ta, ta hãy xin Người làm cho đường ta đi, được ngay thẳng" (Tb 4,19). Những lúc sầu khổ nhất, ta càng cảm tạ Chúa hơn nữa.

Chúng ta chỉ nên xin Chúa những ơn siêu nhiên hay những ơn tự nhiên cần thiết và hữu ích để được Ơn Cứu Độ và nên thánh thiện. Lời cầu xin của chúng ta được gọi là chính đáng và hợp Thánh ý Chúa là khi chúng ta xin ơn gì, phải theo thứ tự trong “Kinh Lạy Cha”. Vì Chúa đã phán: “Hãy tìm nước Thiên Chúa trước hết, rồi các điều khác Chúa sẽ ban cho sau” (Mt 6,33).

Vì không phải ai xin gì cũng được, hay lúc nào xin cũng được ban ơn (x. Mt 7,21-23; Lc 6,47-49; 13,25-27). Nhưng xin mà không được, là bởi vì chúng ta đang xin điều xấu hay xin với dụng ý không tốt (x. Mt 20,21; Gc 4,3).

Còn Thánh Phaolô thì dạy rằng: “Dù ăn, dù uống, dù làm sự gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31; x. Rm 14,8).

2. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp:

Khi cầu nguyện ta vừa xin Chúa ban Thánh Thần, lại vừa xin Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúa Giêsu dạy rằng: "Anh em cứ xin thì sẽ được, (...) Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin Người" (Lc 11,9.13b).

Như vậy: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27; x. Gd 20).

3. Nhân danh Đức Giêsu Kitô:

Không có Thầy anh em không làm gì được…hãy xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy (x. Ga 15,7-16; 16,23-28). Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm… (x. Ga 14,13-14). Vì thế, lời cầu nguyện của Giáo Hội thường hay kết thúc với câu: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”…

Thánh Phaolô cũng dạy: “Phàm điều gì anh em làm, cử chỉ lời nói, mọi sự hết thảy hãy làm vì danh Chúa Giêsu và nhờ Ngài, hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17; x. 3,23).

4. Cầu nguyện bằng thái độ nào:

Cầu nguyện là thái độ thuần phục uy quyền của Chúa, thú nhận sự bất lực của mình. Do đó, chúng ta cần phải thực tâm: khiêm tốn, tin cậy, thuần phục và bền tâm.

ó Khiêm Tốn:Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 18,14). Thánh Giacôbê cũng quả quyết: “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho những người khiêm hạ” (Gc 4,6).

ó Tin Cậy:Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,22). “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm” (Gc 1,5-8).

ó Thuần Phục: Khi cầu xin, chúng ta hãy hoàn toàn thuần phục Thánh ý Chúa, theo gương Chúa Kitô lúc hấp hối trong Vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, chớ gì Con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, một xin thuần phục theo Thánh ý Cha” (Lc 22,42).

ó Bền Tâm: Qua dụ ngôn người bạn đến xin bánh giữa đêm khuya (x. Lc 11,5-8), và dụ ngôn bà góa và vị quan tòa bất chính (x. Lc 18.1-8). Chúa Giêsu dạy chúng ta phải bền tâm khi chúng ta cầu xin Chúa ơn gì và tin chắc Người sẽ ban cho; vì Chúa đã phán: “Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho” (Lc 11,9; Mt 7,7). Chúa kết luận: “Ai bền tâm đến cùng người ấy sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).

Giáo phụ Origênê (185-254), dạy cho chúng ta một cách cầu nguyện không ngừng thật đơn giản và hữu hiệu là: “Người cầu nguyện không ngừng là người cầu nguyện nhiều lần trong ngày, lúc không cầu nguyện thì làm việc lành, nghĩa là những việc hợp Thánh ý Chúa”.

V.- ÁP DỤNG

1. Khi cầu nguyện, chúng ta thường dùng lời nói và cử chỉ: Nhưng điều quan trọng hơn cả là tâm tình bên trong, nghĩa là hết mực chân thành giải bày với Thiên Chúa những nhu cầu và ước vọng của chúng ta. Chúng ta chỉ cầu nguyện thật lòng, khi ta hướng về Thiên Chúa và gặp Người.

2. Xin ơn cùng Thiên Chúa là điều tốt vì ta có thể có nhiều nhu cầu chính đáng cần được thỏa mãn. Hơn nữa, khi xin ơn, ta đặt niềm tin vào lòng nhân lành của Thiên Chúa:

- Trước hết phải xin các ơn thiêng liêng (cho phần rỗi của ta), rồi xin các ơn vật chất (cần cho nhu cầu đời sống hằng ngày) sau.

- Cầu xin với lòng cậy trông và phó thác, giải bày những điều mình ước muốn, rồi sẵn sàng vâng theo ý Thiên Chúa.

3. Nguyện xin ơn chưa đủ, còn cần mở rộng tâm hồn để chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa:

- Chúc tụng Thiên Chúa là tuyên xưng Người Cao Cả, Thánh Thiện, Toàn Hảo, Người đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.

- Cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương yêu của Người. Người ban cho ta mọi ơn lành hồn xác, tùy theo nhu cầu của ta.

- Cách chúc tụng và cảm tạ tốt nhất là hợp với lòng chúc tụng, cảm tạ của Chúa Giêsu trong Thánh lễ.

- Ta cũng có thể cầu nguyện với Thiên Chúa qua Mẹ Maria và các Thánh. Nhờ công nghiệp và nhân đức của các Ngài mà lời cầu nguyện của chúng ta càng có giá trị hơn.

4. Để lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng thiên Chúa, cần có:

- Lòng chân thành. (x. Gc 5,16; Cn 15,29; Tv 38,17-18; 145,18-19)

- Lòng tin-cậy-mến. (x. Mt 21,22; Mc 11,24)

- Lòng vị tha. (x. Gc 5,16; Mc 11,25)

- Lòng nhiệt thành bền vững. (x. Ga 14, 13-14;15,7; Lc 18,1-8; Tv 91,15). Vì “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ của thì sẽ được mở cho” (Lc 11,9; Mt 7,7).

VI.- THAY LỜI KẾT

Chúa Kitô truyền: “Các con phải cầu nguyện luôn”. Lệnh truyền đó cho thấy, Chúa muốn chúng ta phải có đời sống cầu nguyện để kết hợp với Chúa.

Để thấy đời sống cầu nguyện cần thiết thế nào, chúng ta nên nhắc lại ở đây giáo huấn của Giáo Hội: “Cầu nguyện là sự sống của trái tim mới, nó phải làm chúng ta sống động luôn luôn. Vậy mà chúng ta thường xuyên quên lãng Đấng là sự sống và là tất cả của chúng ta. Bởi vậy các Giáo Phụ tu đức, trong truyền thống của cuốn Đệ Nhi Luật và của các tiên tri, đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy sự cầu nguyện là “Tưởng nhớ đến Chúa”, là năng đánh thức “trí nhớ của cõi lòng”: “phải nhớ đến Chúa hơn là khí thở” (Catechismus # 2697).

Vì theo Đức Phaolô VI: “Kinh nguyện giúp khám phá được tình thân mật với Chúa, với yêu sách đòi hỏi phải tôn thờ Chúa, và với nhu cầu xin ơn cầu bầu cho chúng ta. Nhờ đó, Chúa sẽ tỏ mình ra trong trí tuệ và tâm hồn các tôi tớ Ngài. Chúa tỏ cho chúng ta nhận biết chính Ngài trong ngọn lửa tình yêu”. Ngài còn thêm: “Các con hãy ý thức tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong đời sống các con và hãy học cho biết chăm chỉ cầu nguyện cách quảng đại: Đối với mỗi người các con, sự trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày phải là một khẩn thiết đầu tiên, và phải chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống các con” (Evangelica Testifitio # 43,45).

Như vậy, cầu nguyện là: "Trong mọi trường hợp, ta hãy chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa ta, ta hãy xin Người làm cho đường ta đi, được ngay thẳng" (Tb 4,19). Những lúc sầu khổ nhất, ta càng cảm tạ Chúa hơn nữa. Như lời Thánh Phaolô dạy rằng: “Dù ăn, dù uống, dù làm sự gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31; x. Rm 14,8).

--------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, “Sống Nội Tâm”.

2. Lm. Minh Vận, CMC. “Tu Đức Học, Giáo Khoa Đào Luyện Thánh Nhân”.

3. René de Maumigny, SJ. “Thực hành tâm nguyện”.

4. Sách Thánh Công Đồng Chung.

Sưu tập và biên soạn

JB. Bùi Ngọc Điệp

 

Đến với nguồn ánh sáng

Khi bước vào thánh đường hay đến nơi hành hương, ta thường bắt gặp những cây nến cháy sáng đặt cắm trên chân gía nến.

Chân gía cắm nến thường to lớn hơn cây nến. Nó có nhiệm vụ giữ cho cây nến được cắm đứng thẳng, cho có trật tự.

Những chân nến theo kiểu cổ còn được trang hoàng khắc chạm nghệ thuật tinh vi. Nó trông rất đẹp mắt cùng tỏa ra bầu không khí trang nghiêm, long trọng!

Chân gía cắm nến làm nổi bật cây nến lên. Như thế, không có chân nến để cắm nến, cây nến sẽ như thế nào!

Chân cắm nến mà không có nến cắm dựng trên đó, hay không được trưng bày ra để cắm nến, nó cũng không được dùng đặt vào đúng vị trí cùng nhiệm vụ của nó.

Chân gía cắm nến dù có to, có trang hoàng khắc chạm nghệ thuật đẹp. Nhưng khi nhìn vào cây nến người ta lại chú ý đến ngọn lửa đang cháy tỏa sáng từ cây nến.

Ánh sáng cây nến kéo chú ý cùng hướng tâm hồn con người đến với ánh sáng. Những cái khác như chân cắm nên, cây nến lúc này biến dần khỏi tầm nhìn chú ý của con mắt.

Hình ảnh này cũng phần nào, theo lối so sánh, có thể cắt nghĩa về bức tượng Đức Mẹ đang bồng ẵm Chúa Giêsu trên tay, được tạc đúc tượng hay trên hình vẽ in, thường được đặt nơi tòa kính có hoa nến trưng bày sống động.

Đức Mẹ Maria, có thể nói được, là chân gía cắm cây nến. Đức Mẹ hy sinh hoàn toàn suốt cuộc đời mình cho Chúa Giêsu, Đấng là cây nến chiếu tỏa ánh sáng cho trần gian.

Không có Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng đức mẹ Maria, đức mẹ Maria trở thành người hầu như vô danh không ai biết tới.

Nơi con người Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên Chúa và loài người. Thân xác Ngài là như cây nến bằng chất sáp. Bản tính Thiên Chúa của Ngài là ngọn lửa đốt thắp cây nến.

Chất sáp làm nên cây nến sẽ hao mòn tàn lụi không còn gì, khi ngọn lửa thắp sáng thiêu đốt cây nến tan chảy thành nước.

Thân xác, bản tính loài người của Chúa Giêsu cũng có phát triển từ một em bé sơ sinh rồi lớn lên thành người lớn. Thân xác đó sẽ tàn lụi hao mòn dần và đến khi chết trở thành tro bụi chôn trong lòng đất mẹ.

Trái lại ngọn lửa đốt cháy cây nến, sẽ chiếu tỏa ánh sáng lung linh ra chung quanh. Lửa rực cháy phát tỏa hơi nóng tụ thành mầu đỏ vàng. Nhưng lửa linh thiêng và không có thể nắm bắt hình hài nó lại được.

Bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu vô hình như ngọn lửa chiếu ánh sáng, đến trong trần gian, mang đến ân đức cứu độ cho con người.

Khi đến tòa Đức Mẹ đốt nến cắm bông hoa đọc kinh, Đức Mẹ Maria cũng chẳng muốn con mắt chúng ta hướng về người. Đức Mẹ đứng bồng ẵm Chúa Giêsu không là món đồ trang hoàng cho đẹp.

Không, Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa Giêsu, chỉ muốn giới thiệu cùng chỉ dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu, Đấng là ngọn lửa chiếu tỏa ánh sáng.

Thông thường tượng ảnh đúc chạm vẽ hình Đức Mẹ Maria to lớn hơn, đang bồng bế Chúa Giêsu trên tay. Chúa Giêsu trên tay đức mẹ tuy nhỏ bé, nhưng lại là người quan trọng nhất. Đôi bàn tay hay cành hoa, cùng gương mặt Đức Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu đang ngồi trên tay mình.


Chúng ta, người tín hữu Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta tôn kính Đức Mẹ Maria.

Khi đọc lời kinh Kính mừng Ave Maria, nơi phần thứ nhất của kinh là lời của Thiên Thần Gabriel chào Đức Mẹ, lời của người chị họ Elidabét nói lúc gặp gỡ đức mẹ đến thăm viếng, như trong Kinh Thánh viết lại.

Câu kinh ca tụng đức mẹ “đầy ân phúc” muốn nói lên tâm tình: Maria, mẹ được Thiên Chúa chúc phúc. Đức Mẹ có hạnh phúc hơn mọi người phụ nữ trên trần gian.

Phần thứ hai của kinh Kính mừng Ave Maria: “Thánh Maria đức mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” muốn nói lên tâm tình: Đức Mẹ không là người ban ân đức. Nhưng là người bầu cử cho chúng ta, những người tội lỗi, trước tòa Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, nguồn ánh sáng cho trần gian.

Chân cây nến làm nổi bật cây nến lên. Nó giúp cây nến đứng thẳng tỏa ánh sáng lung linh huyền diệu ra chung quanh. Ánh sáng cây nến thu hút con người, chứ không phải chân cây nến.

Đức Mẹ Maria bồng ẵm Chúa Giêsu cũng thế. Như chân cây nến, Đức Mẹ không thay thế vị trí công việc của Chúa Giêsu. Nhưng là người nâng đỡ cùng cộng tác với Chúa. Đức Mẹ Maria làm công việc là người giới thiệu chỉ đường cho con người đến tới nguồn ánh sáng mọi ân đức là Chúa Giêsu.

Chúng ta không cầu nguyện Đức Mẹ. Nhưng chúng ta tôn kính Đức Mẹ, xin người cầu bầu cho chúng ta khi nay và trong giờ sau cùng.

Vì thế mỗi khi thắp nến nơi bàn thờ Đức Mẹ Maria, hay khi đọc kinh Kính mừng Ave Maria, chúng ta muốn nói lên tâm tình: Xin đức mẹ Maria, chuyển lời cầu xin của con tới tòa Chúa Giêsu, con mẹ!

Kỷ niệm đệ cửu thập chu niên ngày Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima 1917. 13.10. 2007

Lm. Nguyễn ngọc Long

NHỎ MÀ TO

 

Nhỏ mà to,

Cái nồi áp suất. Nó thật thuận tiện cho những người lo phục vụ bữa ăn. Rất nhanh để nấu cháo, hầm xương… Nhưng nó sẽ trở thành vô tích sự khi đánh mất cái van an toàn, khi đánh mất cái roong cao su giữ nhiệt.

Nhỏ mà to,

Người đan lưới. Dù được cha mẹ dặn phải thắt các mối nút thật chặt và thật cẩn thận, người con Cả không quan tâm và làm một cách cẩu thả cho xong. Khi hoàn tất, cả nhà ra biển đánh cá, người Em Út vui chơi và chẳng may trượt chân rơi xuống biển. Cả gia đình hy vọng và tin tưởng đứa em sẽ được cứu, vì em rớt vào trong lưới. Thế nhưng khi kéo lên lại chẳng thấy em đâu, bởi lưới có một lỗ hỗng lớn do người anh Cả đan lưới thắt không chặt các mối nút khiến nó sổ thêm nhiều mắt xung quanh.

Nhỏ mà to,

Đi khám bệnh, bác sĩ dặn phải kiêng cữ đồ chua cay, men rượu, ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, không ăn quá no, không để bụng quá đói thì chữa bệnh dạ dày mới mau khỏi. Dặn thì dặn, nhiều người đâu có tuân thủ khiến cho việc điều trị của bác sĩ khó khăn và bệnh càng nặng hơn.

Nhỏ mà to,

Một người đi qua sông bằng đò ngang và kể đủ mọi thứ về thiên nhiên vũ trụ, về thế giới, và, bỗng gió ập tới khiến chiếc thuyền chìm xuống. Được hỏi anh có biết bơi không ? Dạ, thưa không. Người lái đò nói : thật tiếc quá.

Nhỏ mà to,

Nhìn vào cuộc sống, có nhiều người chỉ tìm những điều lớn lao như xây kim tự tháp, đi bầu Giáo hoàng, bầu tổng thống, họp quốc hội… mà quên cái thực tế của bản thân và gia đình. Gia đình cần mỗi người lo lắng, quan tâm chăm sóc cho nhau bằng những việc rất nhỏ. Gia đình cần mỗi người chia sẻ, giúp nhau làm tốt tất cả các sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, nghề nghiệp, nuôi dạy con cái… Nhiều gia đình tan vỡ vì ai cũng chỉ nghĩ đến những chuyện lớn lao vĩ đại, chỉ nghĩ đến chuyện ở trên trời mà quên chuyện ở dưới đất.

Nhỏ mà to,

Nhìn vào đời sống đạo, nhiều người cũng coi các việc phụng tự của Giáo hội là nhỏ bé không đáng đáng bận tâm. Vâng Giáo hội toàn những việc nho nhỏ thôi. Và  Giáo hội cũng chỉ mong con cái mình thực hiện những việc nho nhỏ ấy. Còn ta lại muốn làm những việc lớn lao như chuyển núi dời sông, việc tấn phong giám mục, phong chức linh mục, các dịp đại hội giáo phận, trong nước, thế giới. Ôi, đi lễ đi chầu, đọc kinh, tham dự bí tích, làm việc đạo đức thì đó là chuyện của người già và con trẻ thôi.

Chính những việc đạo đức nho nhỏ ấy lại có sức mạnh lớn lao, đã giữ cho nhiều người bền vững trong đức tin, đức cậy và đức mến, dù cuộc sống họ đầy đau khổ, thử thách gian và bách hại nặng nề, như 300 năm Giáo hội Việt nam trước kia chẳng hạn.

Nếu nghiêm chỉnh thực hiện những việc đạo đức, việc phụng tự thì kết quả thật lớn lao, sẽ trở thành người lớn nhất trong nước trời. Lớn nhất không phải đã làm những việc lớn, mà đã làm được những việc nho nhỏ của Giáo hội một cách nghiêm túc.

Nhỏ mà to,

Có một con dê nhỏ kén ăn, nó không bằng lòng chủ nhân khi chỉ cho nó ăn cỏ non mà thôi. Nó quyết định tự mình đi tìm thức ăn.

Nó gặp hai con gà đang ăn ngũ cốc, nó cũng đến và ăn thử thử một miếng thì ói ra, và nói: “Khó ăn quá.”

Nó gặp một con mèo đang uống sữa bò, một con chó đang gặm một khúc xương có mùi thối, nhưng mấy thức ăn ấy chẳng ngon chút nào, nó chỉ ngửi rồi bỏ đi,vì không chỉu nổi cái mùi hôi thối ấy.

Rồi nó nhìn thấy mấy con vịt đang ăn giun đất. Nó cảm thấy kinh khủng và bỏ đi.

Con dê vội vã bỏ chạy loanh quanh nông trại một vòng, và thấy tất cả thức ăn mà động vật ăn đều không hợp và cảm thấy ghê tởm.

Bụng đói trở thì mới mới phát hiện những bó cỏ non dành cho mình thật là ngon. Nó ăn no bụng và cảm thấy ông chủ thật tốt.

Giáo hội, Mẹ chúng ta rất khôn ngoan đã chuẩn bị cho con cái mình những món ăn bổ dưỡng, hợp khẩu vị và hợp với sức khoẻ đức tin mỗi người. Thế nhưng con cái Giáo hội lại thích đi tìm những món ăn khác, bề ngoài xem ra tốt lành mà thực chất lại không hợp hoặc độc hại. Nếu ta ăn thì chỉ thêm bệnh tật.

Như con dê nhất định chịu đói chứ không ăn những thứ không hợp dễ dây sình bụng, gây bệnh. Ta cũng hãy chịu đói khi thấy những món không hợp với đời sống tinh thần và đạo đức.

Như con dê trở về ăn cỏ, ta cũng hãy trở về với những món ăn quen thuộc và tốt lành mà Giáo hội đã chuẩn bị cho là thánh lễ, chuỗi mân côi, chầu thánh thể, kinh sáng kinh tối, và các giờ đạo đức…

Trở về như vậy chắc chắn ta sẽ thấy hiệu quả rất không chỉ đời này, mà còn cả đời sau nữa.

Thanh Thanh

 

Mục lục

 

CÙNG ĐỌC & SUY GẪM

Bạn trẻ hãy biết tự bảo vệ mình

 

Khi đoạn phim ghi lại cảnh yêu đương của nhân vật nghi là diễn viên Thùy Linh và người yêu được tung lên mạng, nhiều người đã giật mình thầm tiếc cho Thùy Linh khi cô gái trẻ này không biết cách tự bảo vệ mình để vô tình trở thành nạn nhân của web, blog bẩn

Thùy Linh cũng như diễn viên Yến Vy, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung và một số nạn nhân khác bị kẻ xấu phát tán hình ảnh phòng the lên mạng, chắc hẳn không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó, chuyện riêng tư của mình lại được phơi bày ra trước mắt thiên hạ. Họ đã và đang phải chịu đựng những cú sốc nặng nề mà nếu không có bản lĩnh cũng như sự chia sẻ, động viên từ người thân, chắc họ khó lòng vượt qua nổi...

Yêu đương không có tội!

Với tuổi 19, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Thùy Linh đã đến tuổi trưởng thành và cô có quyền yêu đương. Tình yêu không có tội và rõ ràng ai cũng thấy cô gái này chỉ là nạn nhân của một kế hoạch bẩn thỉu. Thế nhưng, câu chuyện của Thùy Linh vẫn là tâm điểm của sự quan tâm trong những ngày qua. Vì cô là người của công chúng, hơn nữa Thùy Linh còn quá trẻ nên càng khiến nhiều người bị sốc. Với hình ảnh trong sáng, tốt bụng, Thùy Linh trong series phim Nhật ký Vàng Anh đã tạo được ấn tượng đẹp đối với rất nhiều khán giả tuổi học trò.

Nhiều người tò mò vào mạng để săn cho được đoạn phim nóng này và bình luận, rồi họ tự hỏi, vì sao Thùy Linh lại có thể đồng ý, thậm chí chủ động để quay một clip về chuyện phòng the của mình như thế? Biết bao bài học đau xót đã xảy ra trước đó chưa lâu vì sao cô diễn viên trẻ tuổi này lại không lường trước hậu quả sẽ xảy ra với mình? Chính vì vậy, nhiều người cho rằng chuyện yêu đương của Thùy Linh là điều bình thường nhưng đa phần lại không thể chấp nhận chuyện cô đã quay cảnh sinh hoạt yêu đương của mình (và sau đó là vô tình bị phát tán). Nói như blogger lahieucanday: “Làm nhân vật của công chúng thì phải tự biết bảo vệ mình trước dư luận - đừng để xảy ra sự cố gì đó rồi mới “xin” dư luận để yên cho mình sống như người bình thường! Chuyện của Thùy Linh hôm nay, chính là bài học sâu sắc cho giới trẻ nói chung và các nghệ sĩ trẻ là “người của công chúng” nói riêng về thái độ cũng như cách hành xử của mình trong cuộc sống.

Vì sao họ trở thành nạn nhân

Một khảo sát mới đây của Vụ Văn hóa – Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho thấy, hơn 30% sinh viên cho biết thường xuyên vào các trang web sex để giải trí sau những giờ học căng thẳng. Thậm chí, nhiều sinh viên còn dành hẳn một ổ riêng trong máy tính để lưu trữ phim và hình ảnh “tươi mát”. Tuy nhiên, không chỉ nam sinh viên mà ngay cả nữ sinh, việc xem phim “đen” cũng không có gì lạ. Trong thời đại bùng nổ của Internet, băng đĩa lậu, bạn trẻ không khó để truyền tay nhau phim ảnh đồi trụy. Một học sinh lớp 12 thú nhận đã bắt đầu xem phim sex từ năm lớp 10 bằng đầu đĩa ở nhà khi bố mẹ đi vắng. Ít lâu sau thì cậu rủ bạn gái về “học chung” và quan hệ ngay trên giường của bố mẹ cậu cho đến khi bị phát hiện.

Rõ ràng, phim đen đã ảnh hưởng đến xu hướng yêu của giới trẻ, đặc biệt là chuyện quan hệ tình dục. Trong một cuộc khảo sát mới đây đối với 300 sinh viên, hơn 10% nam sinh viên và 7,5% nữ sinh viên đã từng có quan hệ tình dục. Trong một nghiên cứu khác cho thấy trung bình, độ tuổi có quan hệ tình dục là 19,7, trong đó nam là 19,5 và nữ là 20,1 tuổi. Đặc biệt, 5,4% thanh niên quan hệ tình dục lần đầu khi mới 15 tuổi, gần 20% thanh niên 15 - 17 tuổi từng quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, lối sống phương Tây với quan niệm “yêu hết mình” đã ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ. TS Dương Tự Đam, Học viện Thanh thiếu niên, cho biết: “70% bạn trẻ chấp nhận và coi chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân là việc bình thường, hoặc đánh giá đó là việc không tốt nhưng cũng không phản đối. Điều này phản ánh xu hướng dễ chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ”.

Cần đến bản lĩnh sống

Vì vậy, chúng ta cũng dễ thông cảm cho chuyện xảy ra với Thùy Linh, Nguyễn Hồng Nhung, Yến Vy... khi họ còn quá trẻ, khó tránh khỏi vấp váp, nông nổi. Gánh nặng dư luận đè nặng lên vai họ. Họ đáng thương và cũng rất đáng trách. Dư luận từ những người có cái nhìn vị tha tỏ ra cảm thông, không ai muốn “giết” họ, nhưng cũng trách họ thiếu bản lĩnh sống, thiếu nền tảng văn hóa để có thể phản ứng tích cực, miễn nhiễm trước những cám dỗ của đời thường, nhiều cạm bẫy. Trước vụ Thùy Linh vài ngày, Phạm Hà Duy, diễn viên trẻ triển vọng từng đóng rất nhiều phim truyền hình từ khi còn bé, cũng đã được báo giới nhắc đến nhiều, vì bị bắt quả tang khi dùng thuốc lắc. Trong mắt gia đình, Hà Duy là một cậu con ngoan, chính cậu cũng chỉ vì bị bạn bè lôi kéo mà sa vào chỗ xấu. Những người âu lo cho thế hệ trẻ, các bậc phụ huynh cũng bị chấn động tâm lý sau những vụ việc như vậy. Trách nhiệm là của chung của xã hội chứ không phải của riêng ai. Trách nhiệm đó là phải làm sao xây dựng cho thế hệ trẻ có bản lĩnh, biết sống nhân văn...

H. Dung - H. An

Theo báo Người lao động

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

CÁI LƯỠI

 

“Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”. Cái lưỡi của con người cũng có lúc làm hại nhau, cũng có lúc giúp nhau làm nên s nghiệp.

 

Chuyện thường ngày

 

Nói cho đúng, ai cũng muốn được nói chuyện, chia sẻ thông tin với nhau. Đó là nhu cầu giao tiếp của nhân loại. Không lẽ hai người ngồi gần nhau, không có chuyện gì để nói sao? Như vậy sự gặp gỡ sẽ nhàm chán. Cũng cần trao đổi với nhau vài thông tin cần thiết. Không lý chúng ta lại thờ ơ những việc xảy ra trước mắt. Chuyện vui buồn quanh chúng ta cũng cần san sẻ với nhau.

 

Độc dược phát xuất.

 

Tất nhiên, trong lần buôn chuyện với nhau, rất nhiều vấn đề nảy sinh không thể ngờ được từ miệng người này sang người khác. Thông tin được thêu dệt khác với sự thật ban đầu rất nhiều, vì vậy sẽ nảy sinh nhiều thắc mắc, mọi hồ nghi và biến mọi chuyện lệch lạc hẳn đi. Sai lệch với câu chuyện nguyên gốc, có khi dẫn đến xô xát nhau.

 

Bệnh nói xấu

 

Nói xấu nhau là một căn bệnh mà không ai ngờ, người đem chuyện là người mắc bệnh nặng nhất đó. Năm chị em cùng ngồi nói chuyện của người khác, nhưng một trong năm không dám đứng lên ra về vì sợ bốn người còn lại sẽ nói xấu mình. Đó là nói xấu sau lưng.

 

Hậu quả

 

Hậu quả của sự nói xấu có khi làm hại thanh danh một người, hại chính ai mù quáng cả tin

 

Kết luận

 

Để trở thành một người kín miệng chẳng có gì khó. Chỉ cần bạn ghi nhờ :

 

 

- Chỉ nói đúng sự thật khi bạn đang truyền đi một tin tức nào đó. Đừng thêm mắm, thêm muối để rồi gây ra những hiểu lầm sau đó.

 

- Hãy tự đặt câu hỏi cho mình : “Thông tin tôi nói có ích lợi gì cho người đang nghe hay không ? Phải chăng có ai đó sẽ bị tổn thương vì những gì tôi đang thổi phồng ?”

 

- Không nên nói sau lưng người khác vì mục đích hạ nhục họ. cần ghi nhớ, khi bạn đang nói xấu ai đó, cũng có người đang nói xấu bạn.

 

- Tránh ngồi lê hằng giờ theo nhóm để nói chuyện phiếm. Bạn có thể tán gẫu một chút vì các mối giao tiếp, nên dừng lại trong khoảng 10 phút thôi. Nếu thời gian càng dài, mức độ nói xấu như rao tin đồn sẽ tăng lên.

 

- Đừng vội truyền những tin mình vừa nghe được cho người thứ ba. Hãy xem xét mức độ tốt xấu, hư ,thật ra sao của câu chuyện để có cách xử lý thích hợp. Như thế chúng ta tránh  đặt mình vào mớ bòng bong của tin đồn nhảm với vô vàn chi tiết được thêu hoa dệt gấm.

 

Nói tóm lại, chúng ta hãy học cách thốt ra những lời nói đẹp hoặc ít nhất là phải trung thực để chúng ta sống tử tế với nhau, có văn hoá hơn và nhìn nhau không thấy thẹn với lòng.

 

Đặng Mỹ Tín

Mục lục

Chuyện ăn của trẻ

Cảnh thường thấy buổi chiều ở mỗi khu chung cư là các bà các mẹ, các cô oshin tất tả chạy theo trẻ khắp sân, doạ nạt, van nài, chúng ăn từng muỗng cơm thìa cháo. Có ông bố còn ăn mặc kỳ quái, đóng vai hề hay cướp biển, nhảy nhót tưng bừng để dụ con ăn. Ấy là “công cuộc nhồi nhét” của người lớn.

Trang Nhung, chuyên viên Tài chính, buổi trưa chỉ được nghỉ làm 1 tiếng rưỡi. Thay vì nghỉ ngơi, cô tất tả phóng xe 4km từ Bà Triệu về Quỳnh Mai cho con ăn vì lo người giúp việc ở nhà không chu đáo.

 

Đánh vật với đứa con gái 1 tuổi để nhồi xong một tô cháo lớn, một miếng  phomai và nửa cốc nước cam, cô chỉ còn kịp ăn qua quýt bát cơm nguội hay mì úp rồi lại tất tả giữa trưa nắng quay về văn phòng.

 

Thanh Huyền, giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, có một đứa con trai, cu Nhắng 15 tháng được cưng như trứng mỏng. Sinh thiếu tháng nên cu cậu không được bụ bẫm như mấy đứa trẻ hàng xóm. Cô lùng sục đủ loại vitamin, thuốc bổ có mặt trên thị trường cho thằng bé uống. Nghe bà lang trên Yên Bái có bài thuốc gia truyền chữa chán ăn hiệu nghiệm, cô tất tả nhờ bạn bè dạy hộ, bắt xe đi ngay. Nghe mọi người mách, cô còn cất công lùng những đồ quý hiếm như yến sào, vi cá mập… để tẩm bổ cho con trai nữa.

 

Khốn nỗi, càng nhồi nhét thì thằng bé càng còi cọc và hay nôn trớ. Lần nào ăn, cu Nhắng cũng “cho ra sản phẩm” đến 3, 4 lần.

 

Có lần con vừa ăn xong, chồng đi công tác về, Huyền nhất định không cho chồng chơi với con sợ nó cười rồi trớ. Anh chồng nhớ con cứ sán đến nựng nịu chơi đùa. Thằng bé cười như nắc nẻ rồi nôn phọt qua cả đường mũi! Huyền xót con, tiếc công cứ thế mắng chồng té tát. Đáng lẽ chồng về phải vui vẻ thắm thiết thì hai vợ chồng quay lưng lại với nhau cả đêm, cũng chỉ vì chuyện ăn của con!

 

Đối lập với phương pháp cho ăn theo kiểu “cổ truyền”, tức phải làm mọi cách để trẻ ăn càng nhiều càng tốt, các bà mẹ tiên tiến thường xuyên đọc sách lướt net ngày nay nhiều người đã thấm nhuần chủ trương “không ép buộc ăn”. Phượng Nga, 33 tuổi, sau nhiều chuyến công tác ở Châu Âu đã tập cho con tự xúc ăn từ lúc chưa đầy một tuổi.

 

Lúc đầu quả thật rất mất thời gian và sốt ruột. Bé Nhím lúc đầu làm đổ tung tóe và bôi trát đầy người, cho miệng ăn một, cho mũi ăn hai, nhưng sau ba tháng đã tiến bộ hơn hẳn và tự xúc lấy một mình. Nhưng từ khi hai vợ chồng vì hoàn cảnh phải chuyển về ở cùng với bố mẹ chồng thì mọi chuyện khác hẳn.

 

Mẹ chồng Nga là giáo viên Đại học, nhưng bà rất xót cháu vì “Con mẹ nó lười không chịu xúc cho con ăn làm thằng bé cứ còi cọc trông tội quá!”. Bà vẫn nể Nga, để cô tự chế biến đồ ăn cho con, nhưng nhất định xúc cho Nhím và ép cháu ăn “hết bát hết đĩa”.

 

Bà còn mua thêm bánh kẹo, hoa quả. Bốn tháng về ở với bà, cu Nhím tăng được tám lạng làm bà mát ruột mát gan. Cả nhà chồng hớn hở vui mừng, còn Nga chẳng biết làm thế nào để tiếp tục “chiến dịch tự xúc” của con theo ý mình.

 

Phương pháp bố mẹ cho ăn uống cũng thể hiện quan điểm giáo dục của phụ huynh và có ảnh hưởng đến nhân cách sau này của trẻ. Phụ huynh Tây phương khi con nói ăn no là có thể rời bàn ăn mà không bị bố mẹ bắt ép van nài ăn thêm. Chủ trương cuộc sống của trẻ, dù còn nhỏ vẫn là của chính chúng, nên họ đề cao khả năng sống và tư duy độc lập, bố mẹ chỉ góp ý và định hướng. Hình ảnh những em bé tròn trịa tay chân hàng chục ngấn là niềm hãnh diện của “xứ ta” thì lại là nỗi sợ nơi “xứ người”.

 

Quan niệm Á Đông cho rằng cha mẹ phải thay con quyết định trong mọi vấn đề, do đó trẻ em ít có cơ hội chọn lựa, ngay cả trong chuyện ăn uống. “Con phải ăn cái này vì nó bổ, nó nhiều vitamin”, “Không ăn thịt thì suy dinh dưỡng như cái chú quảng cáo sữa gầy trên T.V đấy, sợ không?”.

 

Ngay cả các bà mẹ chủ trương theo quan điểm “Tây hoá” hầu như cũng ít khi theo được đến cùng. Đọc sách báo thấy hình ảnh các bé ngoan ngoãn tự ăn để bố mẹ làm việc khác, Thu Phương cũng vạch ra một kế hoạch “hoành tráng” nhưng sau ba tuần cô tự động bỏ cuộc vì “thấy xót quá”.

 

Thằng bé tất nhiên lúc đầu không tự ăn, mẹ quát thì la khóc, ở trường các cô mẫu giáo cũng phàn nàn, bà ngoại cháu thì trách móc… bản thân ý chí của Phương cũng lung lay, thế là “kế hoạch hoành tráng” tạm dừng vô thời hạn!

 

Cho dù nuôi dưỡng theo “chủ trương” nào thì bữa ăn cũng có một nhiệm vụ quan trọng là giáo dục trẻ. Ở mọi nơi, việc giáo dục trẻ em “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” - sự ý tứ và nếp văn hoá lúc ăn vẫn luôn là quan trọng.

 

Sử dụng dao nĩa thuần thục, không cười nói ầm ĩ trong bữa ăn… cũng như “kỹ năng” dùng đũa cả xới cơm, đánh cơm cẩn thận, mời ông bà cha mẹ trước khi ăn… đều cần phải được phụ huynh dặn dò nhắc nhở kỹ lưỡng.

 

Qua cách ăn uống cũng thể hiện nề nếp của gia đình, vì thế các cử chỉ, lời nói… của cha mẹ luôn phải để ý để trẻ noi theo. 

 

 

Hạnh Chi

Mục lục

 

 

 

ĐỌC SÁCH

 

Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá (tiếp theo)

6. CON CÁ THỨ NHẤT: MẸ MARIA, MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI

 

Tôi trao phó cho Mẹ Maria... những hy vọng, những mong đợi của các bạn trẻ khắp hang cùng ngỏ hẻm của hành trình, đang lặp lại lời của Mẹ:  “Này tôi là tớ nữ Thiên Chúa.  Tôi xin vâng như  lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38) ...  Các bạn sẵn sàng loan báo cho những người trẻ cùng lứa tuổi với mình, như  các tông đồ đã làm:  “Chúng tôi đã gặp Đấng Thiên Sai!” ( Ga 1, 41). 

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 10) 

“Mẹ Maria Vô Nhiễm là mối tình đầu của tôi”, câu nói đó là của thánh Gioan Maria Vianney, cha xứ Ars, tôi đã đọc trong sách của cha Francois Erochu, hồi tôi còn ở tiểu chủng viện. 

      Mẹ tôi đã đổ vào tim tôi lòng kính mến Đức Mẹ, từ tuổi ấu thơ.  Bà nội tôi, mỗi buổi tối, lúc gia đình đọc kinh xong rồi, bà còn ngồi lần thêm một tràng hạt.  Tôi hỏi bà, bà đáp: 

      - Mệ lần một chuỗi cầu nguyện cho các cha. 

      Bà tôi không biết đọc biết viết, nhưng chính những người bà, người mẹ như  thế, đã vun trồng hát giống ơn thiên triệu trong lòng chúng tôi. 

      Đức Maria có một vai trò đặc biệt trong đời tôi.  Tôi đã bị bắt ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15 tháng 8 năm 1975.  Tôi ra đi với hai tay không, trong túi không có gì cả, ngoại trừ một tràng hạt, và tôi đi bình an.  Mẹ tôi đã dạy tôi như  vậy từ thuở bé.  Đêm ấy trên tuyến đường dài 450 km, tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần kinh “Hãy Nhớ”. 

      Các bạn hỏi tôi, Đức Mẹ đã giúp tôi vượt bao thử thách trong đời tôi thế nào.  Tôi sẽ thuật lại cho các bạn một vài chuyện đang còn tươi rói trong ký ức tôi.  Lúc còn là một linh mục du học ở Rôma, tháng 9 năm 1957, tôi đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ.  Quỳ trước hang đá, nhìn lên tượng Mẹ, tôi nghe như  Đức Mẹ nói với tôi như  đã nói với thánh nữ Bernadette: 

-Benadette, Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách. 

 Tôi run sợ, nhưng tôi chấp nhận và phó thác trong tay Mẹ.  Tôi tiếp tục học hành thi cử, và trở về Việt Nam, làm giáo sư, Giám đốc tiểu chủng viện Hoan-Thiện, Tổng đại diện, Giám mục Giáo phận Nha Trang năm 1967.  Cám ơn Chúa , công việc mục vụ của tôi nói được là thành công. 

      Tôi trở lại Lộ Đức nhiều lần và nhiều lần tôi tự hỏi:  “Có lẽ lời Đức Mẹ đã nói với thánh Bernadette không phải Mẹ cũng nhắc lại với tôi?”  Thánh giá bổn phận của tôi không đến nỗi quá nặng, dù sao tôi sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa. 

      Tiếp đến mùa hè 1975, tôi bị bắt, bị cầm tù, ở trại cải tạo, bị biệt giam... hơn 13 năm gian truân!  Bấy giờ, tôi mới hiểu Đức Mẹ đã muốn chuẩn bị cho tôi từ 1957:  “Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách”.  Mỗi ngày tôi càng hiểu thâm thúy hơn ý nghĩa của sứ điệp ấy và tôi phó mình trong tay Mẹ. 

      Lúc những khổ đau thể xác và tinh thần trở nên quá nặng nề, tôi không đọc kinh nổi, tôi chỉ lặp đi lặp lại “Ave Maria”, không biết bao nhiêu lần mỗi ngày:  “Lạy Mẹ, con quá yếu nhược, cong không đọc kinh nổi nữa, con chỉ biết dâng lên Mẹ muôn vàn ‘Ave Maria’, xin Mẹ ban phát cho giáo dân của con, cho mọi người, cho toàn thể Hội thánh đang cần đến lòng thương xót của Mẹ.  Tất cả với Mẹ, vì Mẹ và trong Mẹ”. 

      Không những tôi cầu xin Mẹ ban ơn, nhưng tôi năng thưa với Mẹ:  “Lạy Mẹ, con có thể làm gì giúp Mẹ được?  Con sẵn sàng theo lệnh Mẹ, chịu đựng tất cả, làm tất cả vì ‘Nước Chúa Giêsu, con Mẹ’.  Lúc ấy, tuy ở giữa gian lao, tôi cảm thấy hết lo sợ và bình an. 

      Lúc nào cầu nguyện với Mẹ Maria, tôi không thể quên thánh Giuse bạn trinh khiết của Mẹ.  Vì đó là một nguyện ước của Chúa Giêsu và Mẹ.  Thánh Giuse là người được Chúa Giêsu và Mẹ yêu mến cách đặc biệt nhất.  Mẹ tôi đã dạy cho tôi điều này. 

      Mẹ Maria Vô nhiễm không bỏ quên tôi.  Mẹ đã sát cánh tôi dọc đường gập ghềnh đen tối của lao tù.  Trong những năm tháng thử thách triền miên ấy, tôi đã cầu xin Mẹ cách đơn sơ mà đầy tin tưởng cậy trông:  “Lạy Mẹ, nếu Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội thánh nữa thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn.  Ngược lại nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ :  ra khỏi tù trong một ngày lễ của Mẹ!” 

Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo.  “Biết đâu có tin gì cho tôi?  Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!” 

      Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến: 

      - Ong Thuận ơi, ông ăn chưa? 

      - Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây. 

      - An xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo. 

      - Lãnh đạo là vị nào vậy? 

      - Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế.  Chúc ông may mắn. 

      Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an).  Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi: 

      - Ong có nguyện vọng gì không? 

      - Thưa có, tôi muốn được tự do. 

      - Bao giờ? 

      - Hôm nay. 

      Ong Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt...  Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như  vậy.  Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói: 

      - Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng:  Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II.  Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư  Liên Xô:  Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev. 

      Ong Bộ trưởng bật cười và nói: 

      - Đúng! đúng! 

      Ong quay qua bảo người bí thư: 

      - Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông. 

      Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ.  Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. 

      Các bạn hỏi tôi về vai trò của Mẹ Maria trong đời tôi, đặc biệt là sự chọn lựa triệt để theo Chúa Giêsu? 

      Tôi cảm nghiệm rằng, trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã bảo thánh Gioan:  “Đây là Mẹ con!” (Ga 19, 29).  Sau phép Thánh Thể thì Chúa Giêsu không thể để lại cho loài người sự gì cao quý hơn chính Mẹ của Ngài. 

      Đức Mẹ với tôi là một cuốn Phúc âm sống, loại bỏ túi, phổ biến rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất, dễ thương nhất. 

      Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, chính Ngài trối Mẹ lại cho tôi.  Chính điều này cho tôi thấy sự hiệp nhất giữa Mẹ Maria, Chúa Giêsu và tôi.  Mỗi khi dâng thánh lễ, đọc lời truyền phép, tôi cảm thấy tôi là con Đức Mẹ hơn cả, vì tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu. 

      Đức Mẹ không những lo lắng cho Chúa Giêsu mà còn lưu tâm giúp đỡ bà Isave, thánh Gioan, đôi tân hôn ở làng Cana... mọi người, toàn thể Hội thánh. 

      Tôi rất thích câu nói của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng:  “Tôi muốn làm linh mục để giảng về Đức Mẹ”.  Cuộc đời Mẹ Maria có thể tóm gọn trong ba tiếng:  “Ecce, Fiat, Magnificat”. 

      “Này tôi là tớ nữ của Thiên Chúa” (Lc 1, 38). 

      “Tôi xin vâng như  lời thiên thần truyền cho tôi”... (Lc 1, 38). 

      “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”... (Lc 1, 46). 

Cầu Nguyện 

Maria, Mẹ chúng con 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chúng con, con muốn gọi Mẹ là Mẹ chúng con, để cảm thấy mình hợp nhất với Chúa Giêsu và mọi người anh em của con. 

      Xin Mẹ hãy đến và sống trong con.  Cùng Chúa Giêsu, con rất yêu dấu của Mẹ.

      Trong sự thinh lặng, tỉnh thức, cầu nguyện, hiến tế.

      Trong sự thông hiệp với Hội thánh và Chúa Ba Ngôi.

      Trong kinh Magnificat, sứ điệp đổi mới toàn diện của Mẹ,

      Trong sự kết hợp với thánh Giuse, bạn chí thánh của Mẹ,

      Trong lao động đầy khiêm tốn, yêu thương, để thực hiện di chúc của Chúa Giêsu.

      Trong tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, Hội thánh và tất cả nhân loại.

      Trong đức tin sắt đá của Mẹ, giữa muôn vàn thử thách vì nước trời.

      Trong niềm hy vọng của Mẹ, luôn hành động để xây dựng một thế giới mới, đầy công lý, hòa bình, hạnh phúc và yêu thương thực sự.

      Trong sự vẹn toàn các nhân đức của Mẹ trong Chúa Thánh Thần, để nên nhân chứng của Phúc âm, nên Tông đồ truyền giáo.

      Trong con, xin Mẹ tiếp tục làm việc, cầu nguyện, yêu thương, hy sinh.

      Xin Mẹ tiếp tục thi hành thánh ý Chúa Cha, tiếp tục làm Mẹ loài người.

      Xin Mẹ tiếp tục sống sự Thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu.

      Con xin dâng mình cho Mẹ.

      Tất cả cho Mẹ.

      Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời.

      Con sống tinh thần của Chúa Giêsu, khi sống tinh thần Maria và Giuse.

      Với Chúa Giêsu, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn.

      Con yêu mến Mẹ, Mẹ chúng con, và con xin chia sẻ,

      Công việc của Mẹ,

      Nỗi thao thức của Mẹ,

      Cuộc chiến đấu của Mẹ vì nước Chúa Giêsu.  Amen. 

Biệt giam tại Hà Nội,

1-1-1986,

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Phanxicô Xaviê  Nguyễn Văn Thuận, Hy

 

Mục lục